Các mô hình giá trong PTKT (Phần 2): Mô hình 2 đỉnh (Double Top) – 2 đáy (Double Bottom)

Các mô hình giá trong PTKT (Phần 2): Mô hình 2 đỉnh (Double Top) – 2 đáy (Double Bottom)

Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy có lẽ là dạng mô hình dễ dãi nhất trong số các mô hình giá cơ bản. Mặc dù chúng xuất hiện với tần suất dày đặc trên biểu đồ nhưng điều đó không có nghĩa là mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy lại không hiệu quả.

I. Mô hình 2 đỉnh 

1. Mô hình 2 đỉnh là gì?

Mô hình hai đỉnh hay Double Top là mô hình đảo chiều xuất hiện ở cuối xu hướng tăng để báo hiệu 1 cuộc chuyển đổi của giá cả từ tăng sang giảm.

2. Đặc điểm của mô hình 2 đỉnh

Các thành phần mô hình 2 đỉnh bao gồm:

  • Xu hướng tăng được hình thành trước đó
  • Hai cái đỉnh (Tất nhiên rồi)
  • Đường Neckline

Khi đạt đỉnh thứ 1, giá có xu hướng đảo chiều, tại vùng đảo chiều này sẽ hình thành đáy trung tâm. Nhưng giá không tiếp tục lao xuống mà quay trở về xu hướng tăng trước đó và tạo thành đỉnh thứ hai. Hai đỉnh kết hợp với đáy trung tâm cùng với việc giá phá vỡ đường Neckline, lúc này mô hình 2 đỉnh coi như đã hình thành.

Mô hình 2 đỉnh
Dưới đây là đồ thị BFC minh họa cho mô hình 2 đỉnh: Trước đó, cổ phiếu BFC từ năm 2016 tăng từ 15k lên 38k. Tại vùng này, cổ phiếu tạo mô hình 2 đỉnh và hoàn thiện mô hình khi phá vỡ đường viền cổ tại giá 34. Sau khi phá vỡ, BDC hình thành xu hướng giảm từ 25/10/2017 đến 9/7/2018 giá cổ phiếu chỉ còn là 23k/ cổ phiếu.

3. Điều gì khiến mô hình 2 đỉnh hình thành?

  • Như nói trước đó, mô hình 2 đỉnh là mô hình đảo chiều nên để hình thành thì xu hướng trước đó sẽ phải là 1 xu hướng tăng. Khi giá tạo ra 1 nửa của chữ M đầu tiên, tức đỉnh thứ nhất, đã không đủ sức đẩy giá lên cao hơn nữa. Nên thay vì có thể tiếp tục tạo đỉnh cao hơn thì giá lại lao xuống.
  • Nhưng có vẻ như phe áp đảo phía trước là phe Buy khi đang toan tính muốn “lên nóc nhà bắt con gà”. bằng cách muốn đẩy giá lên cao hơn nữa, nhưng lại bất thành. Và sau đó là 1 đà giảm nên cảm thấy rất “nóng máu” đã quyết ăn thua với phe Sell tìm mọi cách để đẩy giá lên.
  • Vì lẽ đó, sau 1 đà giảm tạo ra 1 đáy trung tâm, phe buy đã tìm cách đẩy giá lên nhưng vì đã yếu mà lại cứ thích ra gió nên thay vì tạo ra 1 đỉnh cao hơn so với đỉnh thứ nhất thì phe mua lại không thể, nên đã tạo ra đỉnh thứ 2 chỉ ngang bằng với đỉnh số 1.
  • Và tiếp theo là, không có cái tiếp theo nào nữa cho phe Buy, bởi đã bị Phe Sell úp sọt nên cuối cùng giá đã giảm, điều này càng được khẳng định nếu như giá phá vỡ đường neckline.

Nhìn lại mô hình phía trên bạn có thể thấy, giá rất muốn phá vỡ đỉnh 1 nên sau khi giảm, chúng tiếp tục quay lên để test lại mức kháng cự. Tại mức kháng cự này sẽ có hai khả năng xảy ra: nếu kháng cự bị phá vỡ, đồng nghĩa sẽ tạo lập 1 đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ. Tuy nhiên, nếu việc này bị thất bại, đỉnh cũ không bị phá hay đường kháng cự không bị xuyên thủng lập tức 1 đỉnh có chiều cao tương đương với đỉnh thứ 1 được hình thành, từ đây mô hình hai đáy sẽ xuất hiện, báo hiệu 1 xu hướng giảm giá chuẩn bị được diễn ra.

4. Thế nào là 1 mô hình 2 đỉnh đẹp?

Vì mô hình 2 đỉnh là mô hình xuất hiện với 1 tần suất dày đặc trên biểu đồ giao dịch. Mô hình 2 đỉnh mà ngay cả mô hình 2 đáy đều là những dạng mô hình dễ dãi nhất trong giao dịch

Nên nếu không để ý kỹ lưỡng sẽ rất dễ gặp phải dạng mô hình “fake”.

Vậy các tiêu chí như thế nào để đánh giá mô hình 2 đỉnh đẹp?

  • Đầu tiên cần phải có 1 xu hướng: Mô hình 2 đỉnh xu hướng trước đó phải là xu hướng tăng:

Giá liên tiếp tạo đỉnh và đáy cao hơn, tới 1 khoảng nào đó khi không thể tiếp tục đà tăng, sẽ bắt đầu tạo ra đỉnh ngang bằng với đỉnh trước đó. Lúc này có thể xem như là mô hình 2 đỉnh được hình thành.

Sở dĩ mô hình 2 đỉnh thuộc dạng mô hình đảo chiều, nên nếu trước đó không có xu hướng, thì không thể khẳng đỉnh mô hình 2 đỉnh được hình thành.

Các bạn sẽ nhìn thấy vô số các loại 2 chóp, 2 đỉnh đồi nhưng những dạng này không được xem là mô hình 2 đỉnh vì không có xu hướng, hoặc xu hướng trước đó ngược với mô hình

  • Phải phá vỡ đường viền cổ neckline
  • Thời gian hình thành mô hình 2 đỉnh: Với khung D, thời gian hình thành khoảng cách giữa 2 đỉnh phải từ 3 tuần cho đến 4 tuần, mới được xem là 1 mô hình 2 đỉnh “đẹp”.

5. Hướng dẫn giao dịch với mô hình 2 đỉnh

Một số nguyên tắc cụ thể khi giao dịch với mô hình 2 đỉnh là:

  • Có thể giao dịch theo 2 hướng gồm:

   1. Giao dịch ngay khi giá phá vỡ đường viền cổ neckline

   2. Chờ giá Retest lại mới tiến hành vào lệnh

Về mặt lý thuyết, cách thứ 2 sẽ an toàn và hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên cách thứ nhất sẽ khiến bạn vào lệnh sớm hơn, đồng nghĩa sẽ chốt lời được nhiều hơn.

  • Ngoài ra, giao dịch theo khung nào, chốt lời theo khung đó, chốt lời kỳ vọng có thể bằng từ đỉnh tới đường viền cổ neckline.
  • Điểm cắt lỗ sẽ nằm trên đỉnh 1 vài pip (điều này sẽ áp dụng cho cả 2 hướng giao dịch kể trên).

II. Mô hình giá Hai đáy – Double Bottom

1. Mô hình 2 đáy (Double Bottom) là gì?

Mô hình hai đáy (Double Bottom) hay mô hình 2  cái mông, là mô hình đảo chiều xuất hiện ở cuối xu hướng giảm để báo hiệu 1 cuộc chuyển đổi của giá cả từ giảm sang tăng.

2. Đặc điểm của mô hình 2 đáy

Tương tự như mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy cũng được cấu tạo từ 3 phần gồm:

  • Xu hướng giảm
  • 2 cái đáy
  • Và đường Neckline

Và khi mô hình 2 đáy được hình thành sẽ giống chữ W.

Khi đạt đáy thứ 1, giá có xu hướng đảo chiều, tại vùng đảo chiều này sẽ hình thành 1 đỉnh trung tâm. Nhưng giá không tiếp tục tăng mà quay trở về xu hướng giảm  trước đó và tạo thành đáy thứ hai có chiều cao  xấp xỉ với đáy thứ nhất tại đây khi giá không tạo ra đáy thấp hơn, giá sẽ bắt đầu mon men tiến dần lên, và khi chúng phá vỡ khỏi đường Neckline thì  mô hình 2 đáy đã được hình thành.

Dưới đây là đồ thị BFC minh họa cho mô hình 2 đáy: Sau một xu hướng giảm mạnh từ đỉnh cao 11.6 ngày 10/6/2014 đến ngày 19/5/2015, cổ phiếu ASM tạo đáy đầu tiên tại mức giá 6k. Giá cổ phiếu ASM phục hồi lên giá 8k tạo thành một đỉnh nhỏ rồi giá tiếp tục giảm tạo thành đấy thứ 2 tại mức giá 7. Sau đó cổ phiếu bắt đầu hồi phục cho đến ngày 31/7/2017 thì hoàn thiện mô hình hai đáy với giá và khối lượng tăng mạnh. Cổ phiếu ASM sau khi hoàn thiện mô hình đảo chiều tăng với mức tăng rất mạnh lên vùng giá 18k vào ngày 3/3/2016

3. Điều gì khiến mô hình 2 đáy được hình thành?

  • Tâm lý giá của mô hình 2 đáy, giá sau khi giảm tạo ra đáy đầu tiên, phe áp đảo ở đây là phe Selll nhưng do không thể tiếp tục tạo ra đáy thấp hơn nữa, nên thay vì tạo 1 đáy tiếp theo thấp hơn thì phe Buy lại lên cướp cờ nên tạo ra 1 đỉnh trung tâm.
  • Tuy nhiên, vì lực không đủ mạnh nên ngay khi thấy phe Buy cướp cờ tạo đỉnh như vậy, phe sell đã nóng máu quyết tâm dìm phe buy xuống bùn, chính vì thế mà đáy thứ 2 đã được hình thành. Nhưng phe Sell không đủ sức để đẩy giá thấp hơn bằng việc tạo các đỉnh thấp hơn, và khi đáy thứ 2 này xuất hiện trong nhiều trường hợp phe Buy mạnh hơn sẽ tìm mọi cách kéo phe sell xuống, tâm lý này sẽ được hiển thị thông qua các cây nến đảo chiều dạng như Doji.
  • Và ngay sau đó, phe Buy đã bẻ lái để đẩy giá lên cao hơn, nếu lúc này giá phá vỡ được đường Neckline thì coi như phe Buy đã cách mạng thành công xu hướng đảo chiều được thiết lập chuyển từ giảm sang tăng.

4. Thế nào là một mô hình 2 đáy đẹp?

Tương tự như mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy được xem là đẹp cũng cần phải có 1 xu hướng rõ ràng trước đó, ở đây là xu hướng giảm, thời gian hình thành sẽ kéo dài từ 3 đến 4 tuần và đặc biệt là phải phá vỡ đường viền cổ neckline

5. Hướng dẫn giao dịch mô hình 2 đáy

Đối với mô hình 2 đáy, cách thức giao dịch tương tự như mô hình 2 đỉnh, tức sẽ giao dịch theo 2 hướng:

  • Giao dịch ngay khi giá phá vỡ đường viền cổ neckline
  • Chờ giá Retest đường viền cổ, rồi mới tiến hành vào lệnh

Ngoài ra, điều QUAN TRỌNG nhất vẫn là phải XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG.

  • Cắt lỗ: Cách đáy thứ 2 một vài pip tránh trường hợp bị quét.
  • Chốt lời: Đo khoảng cách từ đáy lên tới đường viền cổ Neckline, sau đó sẽ gióng từ điểm giá phá vỡ Neckline lên 1 khoảng tương ứng.

 

III.Một số thắc mắc về mô hình 2 đỉnh, mô hình 2 đáy

Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy là mô hình tiếp diễn hay mô hình đảo chiều?

Là mô hình ĐẢO CHIỀU.

Nên chốt lời mô hình 2 đỉnh, 2 đáy như thế nào cho hợp lý?

Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy là dạng mô hình dễ dãi, xuất hiện rất nhiều trong biểu đồ nến Nhật, nên sẽ khó lòng đạt được kỳ vọng hay đi xa như các dạng mô hình khác. Vì thế giao dịch khung nào chốt lời theo khung đó.

Nên vào lệnh khi giá phá vỡ Neckline hay chờ giá Retest lại đường viền cổ Neckline?

Vì dạng mô hình 2 đỉnh, 2 đáy rất dễ bị phá vỡ, nên nếu muốn giao dịch sớm thì chờ giá phá vỡ đường viền cổ rồi “khật” luôn! Còn muốn “ăn chắc mặc bền” thì chờ giá Retest mới tiến hành vào lệnh.

Tài liệu đươc Sư tầm – Tổng hợp và biên tập: Thúy Hiền ( Team Công Tuyền Darvas)