Cách sử dụng Fibonacci Retracement tìm điểm vào lệnh tối ưu nhất

Cách sử dụng Fibonacci Retracement tìm điểm vào lệnh tối ưu nhất

Fibonacci là một trong những công cụ hỗ trợ phân tích kỹ thuật rất quen thuộc trên thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng mà bất cứ Trader nào cũng ít nhiều nghe tới hoặc sử dụng khi tham gia giao dịch chứng khoán . Fibonacci có rất nhiều dạng khác nhau, nhưng 3 loại được trader dùng nhiều nhất là: Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui), Fibonacci Extension (Fibonacci mở rộng) và Fibonacci Fan.

Bài viết này giới thiệu đến Fibonacci Retracement còn gọi là Fibonacci thoái lui hay Fibonacci quy hồi, một công cụ được đánh giá là vô cùng hiệu quả khi muốn tìm kiếm điểm vào lệnh, thoát lệnh trong 1 thị trường có xu hướng rõ ràng.

 

Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui) là gì?

Trước khi đi vào hướng dẫn sử dụng Fibonacci Retracement một cách cụ thể, nên đọc qua bài viết về Fibonacci để nắm được những kiến thức cơ bản nhất về công cụ tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả này:

Fibonacci Retracement còn được gọi là Fibo Quy hồi hay Fibo thoái lui là công cụ gợi ý cho trader các điểm điều chỉnh hay HỒI của giá (Pull Back) trước khi giá tiếp tục đi theo xu hướng ban đầu.

Follow the trend (đi theo xu hướng) hay “xu hướng là bạn” có lẽ là những câu nói kinh điển nhất mà Trader nào cũng nghe thấy khi tham gia giao dịch chứng khoán.

Sở dĩ có điều này là bởi vì Trend hay xu hướng nó có 1 quán tính đó là 1 khi nó đã dịch chuyển thì nó sẽ đi mãi theo hướng đó trong 1 khoảng thời gian nhất định, giống như con tàu hoả vậy, 1 khi lăn bánh thì cứ lao đầu về phía trước, nên ai cản tàu hay thích đánh ngược hướng nhẹ thì trọng thương còn nặng là banh xác với tài khoản.

Đoàn tàu không thể nào cứ lao mãi được, đến 1 trạm nào đó tàu cũng phải nghỉ ngơi rồi mới lăn bánh tiếp, Trend cũng vậy không thể nào chạy 1 mạch lên tới tận cung trăng hoặc rơi xuống vực sâu, thay vào đó sẽ phải có những giai đoạn tạm dừng hay những đoạn điều chỉnh, như đang tăng thì sẽ có đoạn điều chỉnh là giảm để rồi sau đó lại tăng tiếp, ngược lại nếu đang giảm thì cũng có những đoạn hồi phục tăng sau đó lại tiếp tục đà giảm.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là khi các đoạn điều chỉnh này xảy ra thì giá sẽ chạy tới đâu, điều chỉnh như thế nào, làm sao Trader biết được để có thể me những vùng giá đó rồi tiến hành vào lệnh? Fibonacci Retracement giúp bạn tìm ra lời giải cho câu hỏi trên.

Có rất nhiều cách để xác định xu hướng thị trường. Nếu bạn chưa biết, có thể tham khảo bài phân tích biểu đồ nến Nhật, để không chỉ biết cách kết hợp Fibonacci Retracement với nến Nhật như thế nào, không những vậy trong bài này còn liệt kê toàn bộ phương thức xác định xu hướng 1 cách đơn giản, dễ hiểu như dưới đây:

 

Mức Fibonacci Retracement nào quan trọng nhất?

Với Fibonacci Retracement sẽ có các mức chính như sau: 0 – 23.6- 38.2-50-61.8-76.4-100.

Các mức này đều đối xứng với nhau, cộng lại sẽ cho ra kết quả bằng 100.

Ví dụ: 23.6+ 76.4 = 100.

Mức 50 ở đây không phải 1 số được rút ra từ dãy Fibonacci, nhưng chúng lại xuất hiện ở trong Fibonacci Retracement vì giá thường có xu hướng phản ứng lại trước ngưỡng quan trọng

Trong số này các mức thoái lui 38.2% – 50% và 61.8% là những mức thoái lui quan trọng nhất.

Như diễn giải từ , giá thường bị kéo thụt lùi trở lại trước khi tiếp tục xu hướng cũ và 3 mức trên là những mức mạnh nhất, được nhiều Trader quan tâm nhất, giúp Trader xác định mức độ hồi lại trước khi tiếp tục xu hướng ban đầu.

Ngoài ra, Fibonacci Retractment chỉ hoạt động hiệu qua trong 1 thị trường có xu hướng rõ ràng. Lúc này kịch bản mà nhiều Trader viết sẵn ra để thực hiện đó là mua trên một mức thoái lui  của Fibonacci khi thị trường đang có xu hướng tăng và chờ bán trên một mức thoái lui tại Fibonacci mức kháng cự khi thị trường có xu hướng giảm.

Vậy các con số này có ý nghĩa như thế nào?

Về cơ bản các mức cản được tạo ra từ Fibonacci được xem là cản tâm lý cho nên ở những ngưỡng này sẽ cho Trader 1 cái nhìn cụ thể về diễn biễn của phe mua hoặc phe bán.

Nhìn vào hình ảnh dưới đây sẽ thấy xu hướng chính là 1 xu hướng tăng, sau khi giá đã hồi lên tới điểm này thì giá sẽ có xu hướng điều chỉnh, sau đó mới tiếp tục tăng tiếp.Và vì xu hướng chính là xu hướng tăng nên giá rất có thể sẽ quay trở về 3 ngưỡng 38,2%, 50% hoặc 61,8%. Đôi khi, giá có thể hồi về tới tận 0.76, tuy nhiên chỉ nên giao dịch ở 3 ngưỡng như trên là đủ. Nếu giá thực sự hồi về những điểm này bạn sẽ tiến hành vào lệnh “BUY”.

Nếu như đặt mua  ngay tại vùng khoanh đỏ, như ví dụ bên dưới, mà không chờ về thì bạn có thể đu đỉnh hoặc nếu như xu hướng tiếp theo là xu hướng đảo chiều sẽ không thể dẫn đến rủi ro và cắt lỗ.

Thế nên việc kiên nhẫn chờ  giá hồi về các vùng Fibonacci Retracement là điều bạn cần phải làm.

Ví dụ tiếp theo, ở thị trường Down trend.

Khi có 1 đà giảm tới  các vùng khoanh đỏ,  chúng  thường có xu hướng tăng trở lại tức là hồi lên, sau đó sẽ lại giảm tiếp. Và cũng tương tự sau đà giảm đó thì giá thường sẽ hồi lên tại 3 điểm mà quan trọng nhất để tìm kiếm điểm vào lệnh đó là 61,8%- 50% hoặc 38,2%.

Và tại những điểm này, các bạn có thể đặt các lệnh Sell, sau đó chờ giá giảm xuống sâu hơn để chốt lời.

Đó là cách diễn giải cơ bản và cụ thể về cách sử dụng Fibonacci Retracement.

Lưu ý Fibonacci Retracement chỉ hoạt động hiệu quả ở trong một thị trường có xu hướng rõ ràng. Nếu thị trường đang ở trong trạng thái đi ngang side way, thì Fibonacci Retracement không thực sự là một công cụ cung cấp thông tin hiệu quả nhất.

 

Vẽ Fibonacci Retracement như thế nào cho đúng?

Cách sử dụng Fibonacci Retracement như thế nào cho hiệu quả nhất. Tại phần trên có nói, việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất khi dùng Fibonacci Retracement chính là cần phải xác định xu hướng của cặp tiền tệ, vàng, cổ phiếu hay dầu mà muốn phân tích đang trong xu hướng nào, sau đó sử dụng Fibonacci Retracement tìm điểm hồi lại, để vào lệnh hoặc thoát lệnh.

Phần dưới đây, sẽ giới thiệu cách vẽ Fibonacci Retracement theo xu thế chính, gồm xu thế tăng và xu thế giảm, bạn có thể căn cứ vào những ngưỡng mà Fibonacci Retracement tạo ra để tìm kiếm điểm vào lệnh. Với xu thế đi ngang, Fibonacci Retracement sẽ không thực sự hiệu quả bạn nhé.

♣ Xu hướng tăng

Kéo con trỏ từ điểm thấp nhất đến điểm cao nhất của một đoạn xu hướng tăng, Fibonacci Retracement sẽ được vẽ ra như sau:

Các mức Fibonacci Retracement cơ bản trong một xu hướng tăng bao gồm 1.0 – 0.764 – 0.618 – 0.5 – 0.382 – 0.236 – 0.0 theo thứ tự từ dưới lên. Trong đó, 1.0 tương ứng với điểm thấp nhất và 0.0 là điểm cao nhất của đoạn xu hướng tăng đó. Các mức này còn được gọi là mức thoái lui của Fibonacci.

Các mức Fibonacci Retracement đóng vai trò là các mức hỗ trợ tiềm năng. Kết thúc đợt điều chỉnh giảm, nếu giá chạm vào một trong những mức thoái lui này thì giá sẽ quay đầu, tiếp tục xu hướng tăng.

Thông thường, hai mức 0.5 và 0.618 là các mức thoái lui quan trọng nhất, giá thường quay đầu sau khi chạm vào các mức này hơn so với những mức còn lại.

♣ Xu hướng giảm

Kéo con trỏ từ điểm cao nhất đến điểm thấp nhất của đoạn xu hướng giảm sẽ ra được các mức Fibonacci Retracement được hiển thị trên biểu đồ như hình dưới:

Các mức Fibonacci Retracement của một xu hướng tăng cũng tương tự như xu hướng giảm, nhưng được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống, trong đó mức 1.0 tương ứng với điểm cao nhất, mức 0.0 là điểm thấp nhất của đoạn xu hướng giảm.

Ngược lại với xu hướng tăng, các mức Fibonacci Retracement trong xu hướng giảm đóng vai trò là các mức kháng cự tiềm năng. Giá sẽ tiếp tục xu hướng giảm khi nó chạm đến một trong các mức này sau đợt điều chỉnh tăng.

Hãy để ý, bản chất các mức của Fibonacci Retracement có tính đối xứng nhau, và khi bạn cộng các mức này lại đều cho ra kết quả bằng 1.

Tương tự như với xu hướng tăng, trong số xu hướng giảm hai mức 0.5, 0.618  vẫn là 2 mức thoái lui quan trọng nhất, giá khi quy hồi tới mức này thường có xu hướng quay trở lại xu hướng ban đầu. Như ở đây, giá sẽ tiếp tục giảm (với xu hướng giảm).

 

Các bước giao dịch với Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui)

Có 3 bước cơ bản khi giao dịch với Fibonacci Retracement

♣ Bước 1: Xác định xu hướng chung của thị trường

Bước này tuy đơn giản nhưng lại là phần quan trọng nhất khi giao dịch với công cụ này. Như đã nói, Fibonacci Retracement chỉ hiệu quả khi thị trường có xu hướng (tăng hoặc giảm) và Trader chỉ vào lệnh thuận xu hướng.

  • Nếu thị trường đang tăng, các bạn chỉ nên tìm cơ hội để vào lệnh Buy.
  • Nếu thị trường đang giảm thì chỉ vào lệnh khi có tín hiệu Sell.

Có rất nhiều cách để xác định xu hướng chung của thị trường. Cách đơn giản nhất là quan sát bằng mắt, nhưng cần thu nhỏ biểu đồ lại để nhìn được một cách tổng quát hơn. Cách thứ hai là sử dụng các công cụ xác định xu hướng như đường trendlinekênh giá, hay tín hiệu cắt nhau giữa các đường trung bình di động…

♣ Bước 2: Vẽ Fibonacci Retracement

Sau khi đã xác định được xu hướng, các bạn tiến hành vẽ Fibonacci Retracement.

  • Nếu là xu hướng tăng: Chờ đợi thị trường bắt đầu điều chỉnh giảm, sau đó vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng gần nhất.
  • Nếu là xu hướng giảm: Chờ đợi thị trường điều chỉnh tăng, sau đó vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng giảm gần nhất.

Cách vẽ thực hiện tương tự như hướng dẫn ở phần trên.

♣ Bước 3: Tìm điểm vào lệnh, đặt Stoploss và Take profit

Có 2 cách để vào lệnh khi giao dịch với Fibonacci Retracement:

  • Trực tiếp vào lệnh Buy/Sell khi giá bắt đầu chạm đến một trong các mức thoái lui quan trọng.
  • Đặt lệnh chờ giới hạn (Buy/Sell Limit) với giá thực hiện tại một trong các mức thoái lui quan trọng.

Stoploss tại điểm thấp nhất của đoạn xu hướng tăng (lệnh Buy) hoặc tại điểm cao nhất của đoạn xu hướng giảm (lệnh Sell).

Take profit sao cho tỷ lệ Reward:Risk ít nhất là 2:1. Trong bài viết lần tới, sẽ được tìm hiểu cách chốt lời bằng công cụ Fibonacci Extension khi giao dịch với Fibonacci Retracement.

Ví dụ minh họa cho các bước giao dịch với Fibonacci Retracement:

Hình trên là biểu đồ giá của GBP/USD trên khung thời gian D1. Các bạn có thể dễ dàng nhận ra được giá đang trong một xu hướng tăng. Ở thời điểm đang xét, giá bắt đầu điều chỉnh giảm. Lúc này, sẽ tiến hành vẽ Fibonacci Retracement cho đoạn xu hướng tăng ngay phía trước đợt điều chỉnh giảm để tìm kiếm điểm vào lệnh Buy.

Sau khi đã vẽ được Fibonacci Retracement rồi, các bạn sẽ xác định được điểm vào lệnh tiềm năng. Ở trường hợp này, chúng tôi nhận thấy các đợt điều chỉnh giảm khá sâu, nên chúng tôi kỳ vọng giá sẽ đảo chiều tại mức 0.618 thay vì mức 0.5. Lý do để không nên chọn mức 0.328 hoặc 0.236 vì các mức này có tỷ lệ R:R không tốt.

Đặt một lệnh Buy Limit tại mức thoái lui 0.618. Stoploss tại điểm thấp nhất của đoạn xu hướng tăng hoặc các bạn cũng có thể chờ cho giá chạm đến mức Fibonacci Retracement 0.618 rồi vào lệnh Buy cũng được.

Và kết quả là…..

Trong trường hợp này khá là may mắn khi giá quay đầu ngay tại mức 0.618, nhưng giả sử giá chỉ đến mức 0.5 rồi đảo chiều thì lệnh Buy Limit đã không thể thực hiện được và nếu như chúng ta chờ đợi cho giá chạm đến 0.618 rồi vào lệnh Buy thì đã bỏ lỡ cơ hội mang lại lợi nhuận cao.

Mặc dù 0.5 hay 0.618 là những mức thoái lui quan trọng nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng giá sẽ không quay đầu tại các mức khác như 0.382 hay 0.236. Chính vì thế, nếu giao dịch độc lập với Fibonacci Retracement thì rất khó để xác định được nên chọn mức thoái lui nào để vào lệnh.

Trong phần tiếp theo của bài viết, sẽ giới thiệu đến các bạn 3 công cụ khác được sử dụng kết hợp với Fibonacci Retracement để xác định được điểm vào lệnh hiệu quả nhất.

 

Cách giao dịch hiệu quả với Fibonacci Retracement

Như đã nói, công cụ Fibonacci Retracement sẽ phát huy tối đa tính hiệu quả của nó khi được sử dụng kết hợp với những công cụ khác, mục đích là nhằm tìm ra mức thoái lui tiềm năng của xu hướng, hay để xác định điểm vào lệnh tối ưu.

Có 3 công cụ chủ yếu mà các bạn có thể kết hợp cùng với Fibonacci Retracement, đó là:

♣ Fibonacci Retracement kết hợp đường xu hướng trendline

Trendline là một công cụ xác định xu hướng rất đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Khi thị trường đang trong một xu hướng cụ thể nào đó, Trendline sẽ đóng vai trò như một mức cản. Nghĩa là, nếu thị trường đang tăng, khi giá điều chỉnh giảm và chạm vào Trendline, giá sẽ quay đầu đi lên và ngược lại với thị trường đang giảm.

Ý tưởng của sự kết hợp này chính là khi giá bắt đầu điều chỉnh giảm/tăng, nếu giá chạm vào một mức Fibonacci Retracement và đồng thời tại đó, giá chạm vào đường Trendline thì khả năng cao là giá sẽ đảo chiều để tiếp tục xu hướng chung ban đầu.

Ví dụ: GBP/USD trên khung thời gian D1

Khi giá bắt đầu điều chỉnh giảm, các bạn sẽ tiến hành vẽ Fibonacci Retracement. Xu hướng tăng trước đó đã tạo được 2 đáy, lúc này, các bạn vẽ đường Trendline cho xu hướng tăng đó bằng cách nối 2 đáy này lại với nhau.

Nhiệm vụ của các bạn bây giờ là chờ đợi diễn biến của giá. Khi giá tiến đến mức Fibonacci Retracement 0.618 thì gặp Trendline, lúc này đang đóng vai trò như một mức hỗ trợ. Kết hợp cả 2 điều kiện, các bạn quyết định vào lệnh Buy, và kết quả đã xảy ra như những gì chúng ta mong đợi.

Ví dụ: USD/CAD trên khung thời gian D1

Rõ ràng xu hướng chung của thị trường là đang giảm, giá liên tục tạo các đỉnh thấp hơn, các bạn vẽ đường Trendline cho xu hướng này.

Khi giá bắt đầu điều chỉnh tăng, các bạn vẽ Fibonacci Retracement cho một đoạn xu hướng giảm gần nhất và chờ đợi.

Giá chạm vào đường Trendline đang có vai trò như một ngưỡng kháng cự, đồng thời tại đó cũng chính là mức thoái lui 0.618. Khả năng giá đảo chiều là rất lớn, các bạn có thể tự tin để vào lệnh Sell tại đây, và kết quả là….như những gì nhìn thấy ở hình trên.

♣ Fibonacci Retracement kết hợp với vùng kháng cự, hỗ trợ

Trong một xu hướng tăng, nếu giá gặp ngưỡng hỗ trợ sẽ đi lên, ngược lại, với một xu hướng giảm, giá gặp ngưỡng kháng cự sẽ đi xuống.

Một mức giá được xem là ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ mạnh nếu giá nhiều lần chạm vào đó và quay đầu.

Ý tưởng này cơ bản là giống với đường xu hướng vì trendline đóng vai trò như một mức cản (hỗ trợ hoặc kháng cự) của một xu hướng cụ thể. Tuy nhiên, với phương pháp này, thay vì sử dụng trendline, sẽ quan sát những vùng giá quan trọng trước đó. Nếu giá tiến đến một trong các mức thoái lui của Fibonacci Retracement, đồng thời các mức thoái lui đó nằm trong những vùng giá quan trọng trong quá khứ thì khả năng cao giá sẽ phản ứng lại mức giá đó, thị trường kết thúc đợt điều chỉnh, quay trở lại xu hướng ban đầu.

Ví dụ: USD/JPY trên khung thời gian D1

Trong tất cả các mức Fibonacci Retracement thì 0.618 là mức thoái lui nằm trong vùng giá quan trọng vì trước đó giá đã tạo đỉnh tại vùng này. Chính vì thế, đây được xem là vùng kháng cự mạnh, khả năng giá sẽ đảo chiều cao. Chiến lược giao dịch lúc này là chờ đợi giá chạm vào mức 0.618 thì vào lệnh Sell. Và kết quả là giá đã đảo chiều, trở lại xu hướng chung ban đầu.

Ví dụ: EUR/GBP trên khung thời gian H4

Trường hợp này khá giống với ví dụ ở trên. Có thể chờ đợi giá chạm vào mức thoái lui 0.5 để vào lệnh Sell hoặc đặt một lệnh Sell Limit tại mức này.

Ví dụ: USD/CAD trên khung thời gian H4

Ở ví dụ này, mức Fibonacci Retracement 0.5 được đánh giá là mức thoái lui tiềm năng vì mức này đang nằm trong vùng kháng cự mạnh, giá đã nhiều lần quay đầu khi chạm vào vùng giá này. Có thể đặt lệnh Buy Limit tại mức giá của Fibonacci Retracement 0.5 và chờ đợi diễn biến của giá. Kết quả là giá đã thực sự đảo chiều tăng tại mức thoái lui này.

♣ Fibonacci Retracement kết hợp với mô hình nến đảo chiều

Mô hình nến đảo chiều là các mô hình nến cung cấp tín hiệu giá đảo chiều xu hướng. Đây là một trong những công cụ rất mạnh của phương pháp phân tích hành động giá price action. Chính vì thế, khi kết hợp với Fibonacci Retracement, 2 công cụ này sẽ giúp chúng ta xác định được điểm vào lệnh với xác suất thành công cao hơn.

Ví dụ: EUR/USD trên khung thời gian H4

Khi tiến về mức Fibonacci Retracement 0.618, giá hình thành mô hình Bearish Engulfing (Nhấn chìm giảm). Tín hiệu này cho thấy khả năng đảo chiều là rất cao. Sau khi đảo chiều, giá test tiếp mức thoái lui 0.382, đây tiếp tục là một mô hình Bearish Engulfing nữa. Nếu đặt liên tiếp 2 lệnh Sell trong trường hợp này thì các bạn sẽ mang về lợi nhuận nhiều hơn.

Ví dụ: GBP/USD trên khung thời gian H4

Ví dụ: GBP/USD trên khung thời gian H4

Tweezer Top (Đỉnh nhíp) cũng là một mô hình đảo chiều mạnh, khi mô hình này xuất hiện tại mức Fibonacci Retracement 0.5 càng làm tăng xác suất đảo chiều của nhịp điều chỉnh tăng trong tình huống này.

Ví dụ: AUD/USD trên khung thời gian D1

Đầu tiên, mô hình Morning Star (Sao Mai) xuất hiện tại mức Fibonacci Retracement 0.618, cung cấp tín hiệu đảo chiều tốt. Sau đó, giá retest mức thoái lui này một lần nữa bằng mô hình Đáy nhíp, lại cho tín hiệu đảo chiều. Nếu kết thúc mỗi mô hình, vào một lệnh Buy thì lợi nhuận sẽ tăng gần như gấp đôi so với việc chỉ đặt một lệnh tại mức thoái lui này. Nhưng vì 2 mô hình này hình thành rất gần nhau, khi vào lệnh đầu tiên xong, khó có thể tập trung để tiếp tục vào được lệnh thứ hai nên khả năng để vào được cả 2 lệnh này là rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, điều này cũng minh chứng rằng, Fibonacci Retracement nếu được kết hợp với các mô hình nến đảo chiều sẽ giúp tìm được các điểm vào lệnh tốt cũng như nâng cao xác suất thành công khi mở 1 vị thế giao dịch.

Hy vọng qua bài viết này, sẽ hiểu rõ hơn về Fibonacci Retracement, về cách vẽ và cách sử dụng công cụ này sao cho hiệu quả nhất. Những gì trình bày có thể sẽ không hiệu quả trong một số tình huống nhất định, nhưng nó sẽ là nền tảng để các bạn có thể thực hành được trên thị trường, từ đó đúc kết được kinh nghiệm riêng cho mình.

Trong bài viết tiếp theo, sẽ giới thiệu đến  Fibonacci Extension, một công cụ xác định điểm chốt lời khi giao dịch với Fibonacci Retracement. Khi đó, sẽ kết hợp 2 công cụ này với nhau để hình thành nên một chiến lược giao dịch hiệu quả.

Nguồn: Sưu tầm và biên tập lại (Team Công Tuyền Darvas)