Price action là gì? Phương pháp giao dịch Price Action toàn tập

Price action là gì? Phương pháp giao dịch Price Action toàn tập

Price action là gì? Phương pháp giao dịch Price Action toàn tập

Dù Price Action luôn được xem là phương pháp phân tích kỹ thuật kinh điển, nhưng lại vừa khó vừa dễ với nhiều Trader. Nếu sử dụng “thuần” Price Action đồng nghĩa bạn sẽ không thêm bất kỳ chỉ báo nào mà chỉ thông qua hành động giá, đọc nến Nhật để vào lệnh. Chính vì thế, nếu quen sử dụng nhiều chỉ báo cùng lúc, Price Action thực sự là phương pháp phân tích vô cùng tẻ nhạt, nhưng nếu đã “nghiện” Price Action, nhiều Trader sẽ thấy mớ chỉ báo áp vào trong biểu đồ thực sự vô cùng rối mắt.

Price Action là 1 trong những bài nền tảng cơ bản giúp bạn hiểu “Price Action là gì” cũng như gợi ý cách áp dụng Price Action trong biểu đồ giá sao cho hiệu quả nhất.

 

Phần I: Tổng quan về phương pháp giao dịch price action

♣ Price action là gì?

Trong đầu tư chứng khoán, có 2 trường phái phân tích phổ biến, đó là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Vậy, Price action có phải là một trường phái phân tích mới?

Nếu phân tích cơ bản đi nghiên cứu các yếu tố như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, các chỉ số kinh tế của một quốc gia hay các yếu tố về chính trị, xã hội để xác định mức độ và chiều hướng tác động của chúng đến giá cả trên thị trường thì phân tích kỹ thuật lại sử dụng chính dữ liệu giá trong quá khứ và hiện tại để dự đoán xu hướng của giá trong tương lai. Và Price action thực ra cũng là một phương pháp phân tích kỹ thuật, thông tin duy nhất mà phương pháp này sử dụng chính là dữ liệu giá.

Tuy nhiên, chúng ta thường biết đến trường phái phân tích kỹ thuật thông qua các chỉ báo hay Indicators, là kết quả của các phép tính từ đơn giản đến phức tạp, dựa trên các dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ để khi nhìn vào các Indicators này, những nhà giao dịch sẽ dự đoán được thị trường sẽ đi theo xu hướng nào. Với Price action thì khác, công cụ duy nhất mà phương pháp này sử dụng chính là đồ thị giá, ngoài ra không có bất kỳ một Indicators hay công cụ kỹ thuật nào khác.

Tham khảo: Indicators là gì? Phân loại chỉ báo kỹ thuật trong giao dịch chứng khoán.

Nguyên lý cơ bản của phương pháp Price action chính là: Mọi sự chuyển động của giá đều chịu tác động từ những thực thể tham gia vào thị trường, không ai khác ngoài người mua và người bán. Mà hành vi của họ lại chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội nên có thể nói rằng giá cả trên thị trường phản ánh tất cả mọi thứ, điều này cũng đúng với nguyên lý của trường phái phân tích kỹ thuật.

Nhiệm vụ của phương pháp Price action chính là phân tích hành vi của các thực thể tham gia vào thị trường hay nói cách khác, Price action tìm ra thế lực nào đang kiểm soát thị trường, phe mua hay phe bán, từ đó có thể xác định chiều hướng biến động của giá theo sự kiểm soát đó.

Nếu phe mua đang kiểm soát thị trường, tức là số lượng và khối lượng mua vào nhiều hơn so với bán ra (cầu lớn hơn cung) thì giá sẽ có xu hướng tăng, Trader vào lệnh Buy. Ngược lại, nếu phe bán đang kiểm soát thị trường, tức là số lượng và khối lượng bán ra nhiều hơn mua vào (cung lớn hơn cầu) thì giá sẽ có xu hướng giảm, Trader vào lệnh Sell.

Hãy cùng so sánh đồ thị giá của một Indicators trader và một Price action Trader.

Đây là đồ thị giá của một Trader chuyên sử dụng các Indicators để phân tích xu hướng. Khá rối và phức tạp đúng không? Bạn sẽ làm gì với một đồ thị giá như thế này? Sẽ phải học ý nghĩa và cách sử dụng của từng Indicators, cách kết hợp nhiều Indicators cùng lúc và cả cách chọn lọc tín hiệu tốt từ rất nhiều tín hiệu được cung cấp…. quá nhiều việc phải học với một Trader mới, các bạn sẽ có thời gian và đủ kiên nhẫn để tìm hiểu tất cả những thứ này.

Và đây là đồ thị giá của một Price action Trader

Hoàn toàn không có gì ngoài những cây nến, rất đơn giản, dễ nhìn và dễ hiểu.

Sức mạnh lớn nhất của phương pháp Price action chính nằm ở sự đơn giản. Chỉ cần một đồ thị giá trống trơn, bằng việc quan sát vào các cây nến trên đồ thị, Trader sẽ có được những thông tin cần thiết nhất để phân tích hành vi của giá (hay đúng hơn là hành vi của người mua, người bán), từ đó xác định bước đi tiếp theo của thị trường.

♣ Công cụ phân tích của phương pháp Price action

Nguyên tắc trọng yếu của phương pháp Price action chính là đơn giản hóa quá trình phân tích và giao dịch. Không sử dụng các phép tính rắc rối, không chằng chịt Indicators mà thứ duy nhất các Trader dùng đến chính là những cây nến trên đồ thị.

Bản thân mỗi cây nến đã cung cấp cho Trader rất nhiều thông tin về phiên giao dịch hình thành nên cây nến đó và một vài cây nến kết hợp với nhau sẽ kể cho chúng ta một câu chuyện thú vị về hành vi của giá. Sẽ có sự kết hợp là ngẫu nhiên, không cung cấp một thông tin đặc biệt nào nhưng cũng có sự kết hợp mang lại những tín hiệu giao dịch có giá trị, là khi mà các cây nến kết nối với nhau và cung cấp thông tin về hành vi của giá một cách rõ ràng thì sự kết hợp đó tạo thành các mẫu hình nến (Candlestick patterns).

Khi sự kết hợp này diễn ra trong một giai đoạn dài hơn, số lượng các cây nến nhiều hơn và di chuyển của giá tạo thành những hình dáng đặc biệt, ẩn chứa đằng sau đó là diễn biến tâm lý và hành vi của 2 phe mua, bán thì lúc này, sự kết hợp của nhiều cây nến đó tạo ra các mô hình giá (Price patterns).

Bên cạnh việc phân tích hành vi của giá thông qua các cây nến thì tại những vùng giá mà các cây nến xuất hiện, sẽ có những vùng giá đặc biệt quan trọng mà chúng ta vẫn biết đến với tên gọi kháng cự (Resistance), hỗ trợ (Support). Tại đó, người mua, kẻ bán thường phản ứng nhiều hơn, có những hành vi mang tính quyết định đến sự chuyển động của giá trong tương lai.

Vậy thì, những thứ được tạo ra chỉ duy nhất từ các cây nến bao gồm: hỗ trợ, kháng cự; mẫu hình nến và mô hình giá chính là các công cụ phân tích của phương pháp price action. Những công cụ này được chính các trader phát hiện ra thông qua việc quan sát nến trên đồ thị giá, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của bất kỳ một công cụ hay chỉ báo kỹ thuật nào. Chính vì vậy, phương pháp Price action không đơn giản chỉ là việc nghiên cứu và học như khi học cách sử dụng Indicators mà các bạn cần có kỹ năng quan sát và tư duy nhiều hơn. Đây vừa là ưu điểm mà cũng vừa là hạn chế của phương pháp giao dịch này.

♣ Ưu điểm và hạn chế của phương pháp price action

Cũng giống như phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật bằng Indicators, phương pháp Price action cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Một trong những điều mà price action làm tốt hơn so với các phương pháp phân tích khác chính là khả năng thấu hiểu thị trường. Vì mỗi hành vi của các thực thể tham gia mua, bán trên thị trường đều được thể hiện qua các cây nến mà nhiệm vụ của Price action lại là giúp Trader “mổ xẻ” các cây nến đó rất chi tiết về hình dáng, độ lớn và cả sự liên kết với nhau để nắm bắt những hành vi này một cách chính xác nhất. Khi các bạn đầu tư hay kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào thì việc thấu hiểu thị trường chính là yếu tố cốt lõi, chỉ có hiểu thì mới đối phó và chiến thắng được nó. Chính vì lý do này mà rất nhiều Trader chuyên nghiệp lựa chọn price action làm phương pháp giao dịch chủ đạo.

Đối với một Trader mới thì Price action lại càng phù hợp. Thay vì phải bắt đầu với những phương pháp phân tích phức tạp, nên học cách thấu hiểu thị trường, một khi đã nắm bắt được nó, việc nghiên cứu thêm các kỹ thuật phân tích nâng cao, các chỉ báo phức tạp sẽ trở nên vô cùng đơn giản.

  • Ưu điểm của phương pháp price action

Đơn giản

Là ưu điểm và cũng là yếu tố đặc biệt nhất của phương pháp giao dịch này. Price action sử dụng nến trên một đồ thị giá “trống trơn” là thông tin duy nhất để phân tích và ra quyết định giao dịch nên sẽ không có tình trạng “thừa tín hiệu” như khi sử dụng indicators. Bên cạnh đó, nếu các indicators dễ gây rối, loạn mắt thì price action lại giúp Trader dễ tập trung hơn, dễ quan sát hơn và không có tín hiệu gây nhiễu.

Ngoài ra, sự đơn giản của phương pháp Price action còn giúp cho Trader bớt căng thẳng, có thể thực hiện trên bất kỳ thiết bị nào, kể cả điện thoại di động, mà điều này thì không được khuyến khích khi giao dịch với Indicators.

Thời gian tiếp cận nhanh hơn

Hiện nay, trong giao dịch chứng khoán nói riêng và các thị trường tài chính nói chung, có đến hàng trăm Indicators khác nhau. Một Trader sẽ lựa chọn cho mình một số Indicators phù hợp với chiến lược giao dịch của họ và mang lại hiệu quả tốt nhất. Khi tìm hiểu một Indicators bất kỳ, các bạn sẽ phải hiểu về nó, về cách tính, về đặc điểm, ý nghĩa, cách sử dụng nó khi phân tích xu hướng và để áp dụng Indicators đó vào trong giao dịch một cách hiệu quả nhất, đòi hỏi các bạn phải trải qua thời gian luyện tập và thử-sai rất nhiều lần. Hơn nữa, các Indicators nếu sử dụng độc lập sẽ không mang lại hiệu quả cao nên thường được kết hợp với Indicators hoặc các công cụ phân tích khác. Quá trình luyện tập với các Indicators, lựa chọn công cụ phân tích kết hợp rồi so sánh các Indicators với nhau để tìm ra những Indicators mà các bạn cho là ưng ý nhất sẽ mất rất rất nhiều thời gian. Và ở đây, chúng tôi đang muốn nói đến việc nghiên cứu về Indicators một cách bài bản nhất chứ không phải chỉ tìm hiểu qua loa về cách sử dụng nó như thế nào rồi áp dụng một cách máy móc.

Ngược lại, đối với phương pháp Price action, việc quan trọng nhất mà các bạn cần nghiên cứu chính là làm thế nào để hiểu thị trường. Trong khi tâm lý thị trường đã thể hiện đầy đủ thông qua hành vi của giá cả, việc xác định đúng tâm lý đó hay không chỉ phụ thuộc vào khả năng quan sát và nhận định của các bạn. Tất nhiên, nghiên cứu về tâm lý thị trường và hành vi đám đông không hề đơn giản nhưng nếu biết cách để bắt đầu, các bạn sẽ nắm bắt rất nhanh.

Price action giúp các Trader mới bớt ảo tưởng về sức mạnh của Indicators

Có rất nhiều Trader khi mới gia nhập vào thị trường thì bắt tay ngay vào việc học cách sử dụng Indicators vì họ có xu hướng muốn kiếm tiền nhanh mà Indicators lại là công cụ có thể đáp ứng nhu cầu này một cách nhanh nhất. Đó chỉ là “ảo tưởng” của những Trader mới.

Khi bắt đầu tìm hiểu về Indicators, các bạn sẽ “được hướng dẫn” sử dụng chúng một cách rất cụ thể, khi Indicators như thế này thì vào lệnh Buy hay như thế kia thì vào lệnh Sell, điều này rất dễ khiến Indicators trở nên “chén thánh hóa” trong mắt các Trader mới. Nhưng với Price action, phương pháp này chỉ dựa vào đồ thị giá, không có một con số cụ thể nào, không một đường tín hiệu nào cả mà hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi của giá, dự đoán đúng hay sai hoàn toàn là do khả năng phân tích và nhận định của các bạn nên sẽ không có bất kỳ sự bám víu nào cả, mà không bám víu thì sẽ càng bớt được sự ảo tưởng, càng tránh được nhiều sai lầm.

Tất nhiên, không nói rằng Indicators là không tốt, các Trader chuyên nghiệp họ vẫn đang sử dụng Indicators và cũng có rất nhiều người thành công với Indicators, thậm chí, một số Indicators cung cấp tín hiệu giao dịch với xác suất thành công rất lớn. Tuy nhiên, nhấn mạnh ở đây là sự phù hợp với các Trader mới, liệu các bạn có chịu bỏ thời gian để nghiên cứu về Indicators một cách bài bản nhất hay sẽ nóng vội học cách sử dụng chúng một cách máy móc rồi trở nên ảo tưởng về khả năng của Indicators?

Price action giúp Trader tư duy nhiều hơn

Chỉ dựa vào đồ thị giá, bằng việc quan sát hành vi của giá thông qua các cây nến, Trader sẽ dự đoán được xu hướng của thị trường trong tương lai. Nhờ đâu? Hỗ trợ, kháng cự? Mẫu hình giá hay các mô hình nến? Tất cả những công cụ đó cũng chỉ là kết quả từ khả năng quan sát của trader, rồi từ kết quả đó mà trader phải vận dụng sự am hiểu về thị trường và kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận định của mình để dự báo một cách chính xác nhất. Tất cả những hoạt động này đều kích thích khả năng tư duy của Trader. Cũng chính vì không có một công cụ nào để bám víu, không một tín hiệu nào sẵn có mà “bộ não” của Trader được hoạt động nhiều hơn.

Trong khi đó, các Trader mới thường có xu hướng sử dụng Indicators một cách máy móc, như nhìn thấy RSI vượt xuống dưới đường 20 thì vào lệnh Buy, vượt lên trên đường 80 thì vào lệnh Sell, hay nhìn thấy giá vượt ra khỏi dải trên của Bollinger Bands thì vào lệnh Sell, vượt ra khỏi dải dưới của Bollinger Bands thì vào lệnh Buy… mà không đánh giá độ tin cậy của các tín hiệu đó, đơn giản vì họ tiếp cận chúng một cách sơ sài, không đi sâu vào bản chất thì làm sao có khả năng nhận định, đánh giá một tín hiệu là tin cậy hay gây nhiễu. Dần dần, việc “học vẹt” này sẽ làm mất khả năng tư duy của họ.

  • Hạn chế của phương pháp Price action

Đơn giản về hình thức nhưng khó tiếp cận

Khó tiếp cận ở đây là khó để thấu hiểu thị trường, khó để dự đoán. Phương pháp Price action hoạt động cực kỳ đơn giản, chỉ việc nhìn vào đồ thị giá và dự đoán xu hướng thị trường thông qua hành vi của giá trên đồ thị. Nhưng khó ở đây là nhìn như thế nào? Nhìn mà đơn giản chỉ là nhìn thì ai nhìn chả được! Nhìn để phát hiện ra các vùng hỗ trợ, kháng cự, nhìn để nhận dạng mẫu hình nến, mô hình giá, rồi từ đó phân tích tâm lý thị trường thông qua những công cụ đó thì không phải ai cũng làm được. Nếu giá đi vào vùng hỗ trợ, kháng cự hay giá hình thành những mẫu hình nến, các mô hình giá thì những hành vi đó của giá sẽ cung cấp cho Trader một hướng đi cụ thể, còn việc đi như thế nào (Đi khi nào, đi bao lâu, bao xa thì dừng…) là phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của từng người.

Phương pháp price action mang tính chất chủ quan

Mỗi người sẽ có một cách xác định các vùng giá hỗ trợ, kháng cự khác nhau. Có người chỉ xác định một vùng giá là kháng cự quan trọng khi giá có ít nhất 2 lần quay đầu đi xuống tại vùng giá đó nhưng cũng có người chỉ cần giá phản ứng đúng một lần nhưng chất lượng là đã có thể xác định vùng hỗ trợ, kháng cự quan trọng trên đồ thị. Mà khái niệm “chất lượng” cũng sẽ rất khác nhau theo quan điểm của từng người.

Đối với các mẫu hình nến hay các mô hình giá, mặc dù sẽ có một số những đặc điểm nhận dạng nhất định nhưng không phải tất cả những đặc điểm đó đều bắt buộc tuân theo các quy chuẩn cụ thể nên mỗi Trader sẽ nhận dạng mô hình theo một cách riêng. Ngoài ra, với cùng một mô hình thì mỗi người cũng sẽ có những phân tích khác nhau, sự thấu hiểu khác nhau nên cách thức giao dịch, vào lệnh, chốt lời hay cắt lỗ cũng sẽ khác nhau.

Đó là tính chủ quan của phương pháp Price action.

Là phương pháp giao dịch không hoàn hảo

Là hạn chế của tất cả các phương pháp phân tích khác mà không riêng gì Price action. Mặc dù phương pháp Price action giúp Trader có thể thấu hiểu được thị trường nhưng sự thật là không phải lúc nào thị trường cũng đơn giản và thể hiện đầy đủ nhất vào hành vi của giá để cho chúng ta thấu hiểu nó hoàn toàn. Sẽ có những lúc thị trường biến động ngoài tầm kiểm soát do một tin tức nào đó mà chúng ta không ngờ tới, mặc dù trên đồ thị, giá đã hình thành một mẫu hình nến rất đẹp, rất chuẩn xác, thị trường vẫn sẽ chống lại bạn hoặc đi ngược một đoạn trước khi trở về xu hướng như kỳ vọng, mà đoạn đi ngược đó lại có khả năng quét Stoploss của bạn.

 

Phần II: Giới thiệu các công cụ phân tích của phương pháp price action

Như đã nhắc đến ở phần trên, 3 công cụ chính của phương pháp Price action bao gồm hỗ trợ/kháng cự, các mẫu hình nến và các mô hình giá, tất cả những công cụ này là cơ sở để các bạn phân tích được hành vi của giá nhằm tìm ra thế lực nào đang kiểm soát thị trường nhưng những công cụ này là không có sẵn và các bạn phải tự xác định và nhận dạng thông qua việc quan sát các cây nến trên đồ thị.

Nhưng dù là công cụ nào thì yếu tố cốt lõi nhất của phương pháp Price action vẫn là các cây nến, nên việc thấu hiểu ý nghĩa của các cây nến rất quan trọng. Đọc được các thông tin có trong mỗi cây nến là bước đầu tiên cần làm của một Price action Trader.

♣ Phân tích hành động giá từ một cây nến

Việc đọc hiểu cây nến là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi bắt đầu tìm hiểu về phương pháp Price action vì mỗi cây nến là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của các công cụ phân tích Price action. Các vùng giá hỗ trợ, kháng cự cũng được xác định từ các mức giá của các cây nến; một mẫu hình nến được hình thành từ nhiều cây nến hay một mô hình giá được tạo ra bởi rất nhiều cây nến thì việc phân tích các mô hình này cũng chính là đi phân tích từng cây nến cấu thành nên mô hình đó.

Mỗi cây nến cung cấp 4 thông tin cơ bản, bao gồm giá mở cửa, giá đóng cửa, giá thấp nhất và giá cao nhất của phiên giao dịch hình thành nên cây nến đó. Ngoài ra, các bộ phận của nến như râu nến và thân nến đều bao hàm một câu chuyện về hành vi của 2 phe mua và bán trong suốt một phiên giao dịch.

Thân nến

  • Màu sắc của thân nến cho biết kết thúc phiên giao dịch đó, giá tăng hay giảm so với khi mở cửa. Một cây nến tăng nếu thân nến màu xanh hoặc trắng, nến giảm có thân màu đỏ hoặc đen. Tuy nhiên, việc quy định màu sắc của thân nến như trên là quy ước chung cho toàn thế giới nhưng không bắt buộc, các bạn hoàn toàn có thể tùy chỉnh sao cho việc quan sát của bạn là dễ nhất. Việc tùy chỉnh này được thực hiện trên phần mềm giao dịch.
  • Độ dài của thân nến cho biết mức độ kiểm soát của phe mua hoặc bán trong suốt phiên giao dịch. Thân nến xanh dài chứng tỏ phe mua chiếm ưu thế cho đến cuối phiên, ngược lại thân nến đỏ dài nghĩa là phe bán đã thắng thế hơn. Một cây nến có thân ngắn chưa thể khẳng định phe nào đang chiếm thế thượng phong và việc của Trader là quan sát thêm phần râu nến.

Râu nến hay bóng nến

  • Râu nến trên dài nghĩa đã có khoảng thời gian giá tăng lên rất cao nhưng lại bị kéo xuống, điều này chứng tỏ phe mua đã cố gắng đẩy giá lên cao nhưng lực bán mạnh hơn kéo giá xuống lại, đây là trường hợp thị trường từ chối giá lên. Râu nến trên càng dài thì lực bán càng mạnh. Ở những phiên giao dịch sau, phe bán đang chiếm ưu thế hơn.
  • Râu nến dưới dài chứng tỏ phe bán đã từng có khoảng thời gian nỗ lực để kéo giá xuống rất sâu nhưng lực mua mạnh hơn xuất hiện kéo giá đi lên lại, thị trường từ chối giá xuống, phe mua đang chiếm ưu thế hơn. Râu nến dưới càng dài thì chứng tỏ lực mua càng mạnh.
  • Một cây nến có cả râu nến trên và dưới đều dài, thân nến ngắn: điều này chứng tỏ rẳng trong phiên giao dịch đó, cả 2 phe mua và bán đều có khoảng thời gian chiếm ưu thế nhưng đến cuối phiên thì không phe nào thắng phe nào, chưa thể dự đoán được phe nào sẽ chiếm ưu thế hơn ở những phiên sau nhưng có thể thị trường sẽ biến động rất mạnh ngay sau đó.

Độ dài toàn bộ cây nến: Khoảng cách từ giá cao nhất đến giá thấp nhất càng lớn thì trong phiên giao dịch đó, giá biến động càng mạnh, ngược lại, độ dài nến càng ngắn thì giá biến động ít.

Hỗ trợ, kháng cự

Hỗ trợ và kháng cự là các ngưỡng giá hay vùng giá quan trọng mà tại đó hành vi của đám đông được thể hiện rõ nhất. 2 loại ngưỡng giá, vùng giá này tạo nên các khu vực mua, bán tốt nhất trên thị trường.

Hỗ trợ là ngưỡng giá hay vùng giá mà tại đó giá không thể xuống thấp hơn được nữa, cho nên giá sẽ có xu hướng quay đầu đi lên, là nơi mà các Trader thiết lập vào lệnh Buy hoặc thoát các lệnh Sell.

Kháng cự là ngưỡng hay vùng giá mà tại đó giá không thể lên cao hơn được nữa, giá có xu hướng quay đầu đi xuống, là nơi mà Trader thiết lập vào lệnh Sell hoặc thoát các lệnh Buy.

Hỗ trợ hay kháng cự là một ngưỡng giá khi nó được hình thành từ các mức giá đóng cửa hoặc mở cửa của cây nến. Hỗ trợ hay kháng cự là một vùng giá khi nó được hình thành bởi một phạm vi giá, là khoảng cách từ các mức giá cao nhất/thấp nhất đến các mức giá mở cửa/đóng cửa. Trong giao dịch forex, các trader thường sử dụng vùng giá hơn là ngưỡng giá.

Hỗ trợ, kháng cự được xác định bằng các ngưỡng/vùng giá nằm ngang hoặc có độ dốc nhưng không quá lớn. Hỗ trợ, kháng cự càng dốc thì càng dễ bị phá vỡ.

Khi giá đang tăng lên và gặp vùng kháng cự, một lượng lớn các lệnh bán xuất hiện để chống lại các lệnh mua, kết quả là giá đột ngột chựng lại quanh khu vực kháng cự này, nếu lực bán đủ mạnh, giá sẽ quay đầu đi xuống.

Tương tự, khi giá đang giảm và gặp vùng hỗ trợ, một lượng lớn các lệnh mua xuất hiện để chống lại các lệnh bán, điều này làm cho giá chựng lại hoặc đảo chiều đi lên.

Nguyên nhân xuất hiện một lượng lớn các lệnh bán tại vùng kháng cự hay một lượng lớn các lệnh mua tại vùng hỗ trợ?

Đây là kết quả về hành vi của các “ông lớn” và tâm lý đám đông. Những ông lớn như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ thường thích giao dịch tại những vùng giá quan trọng này, họ sẽ đặt lệnh tại các mức giá mà họ cho là tốt nhất và thường là các mức cao nhất/thấp nhất của tháng, quý hoặc năm, các vùng giá mà thị trường đã nhiều lần đảo chiều trước đó hoặc tại các mức giá đẹp, tròn trĩnh như 1.23000, 1.45600… là mức giá mà các Trader ưa chuộng để chốt lời hoặc cắt lỗ. Khi những ông lớn mua/bán tại các vùng giá này khiến cho giá phản ứng, chững lại hoặc có những bước đảo chiều đầu tiên, các Trader nhỏ lẻ khi thấy hành vi của giá như thế sẽ tin tưởng rằng giá đã tạo đáy/đỉnh và không thể đi xa hơn, họ cũng bắt đầu vào lệnh. Lúc này, giá đã đảo chiều, các Trader bên ngoài nóng lòng vào cuộc khi đã lỡ mất cơ hội vào lệnh đẹp, càng làm cho áp lực mua/bán tại các vùng giá đó tăng lên, giá sẽ càng tăng/giảm mạnh.

  • Cách xác định các vùng hỗ trợ/kháng cự trên đồ thị giá

Trên thị trường có một số Indicators có khả năng xác định tự động các ngưỡng giá hỗ trợ/kháng cự nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này, đã là Price action thì tất cả phải xuất phát từ khả năng quan sát và nhìn nhận về hành động giá của chính Trader nên việc tự xác định các vùng giá quan trọng này là điều cần thiết khi giao dịch với phương pháp Price action.

Nguyên tắc để xác định hỗ trợ, kháng cự cũng khá đơn giản, các bạn chỉ cần đặt ngưỡng hay vùng giá quan trọng này tại các khu vực mà giá đã có ít nhất 2 lần đảo chiều trước đó.

Lưu ý là nên chọn những lần đảo chiều gần với hiện tại nhất, khung thời gian giao dịch với hỗ trợ/kháng cự nên là những timeframe lớn như H1, H4, D1, W1, các Timeframe nhỏ hơn sẽ không đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, sẽ có những trường hợp mà chỉ cần một lần đảo chiều là chúng ta có thể xác định được vùng hỗ trợ/kháng cự, ví dụ như các mức giá cao nhất, thấp nhất của một năm, một thập kỷ… đây là các ngưỡng giá quan trọng, khó có thể bị phá vỡ.

Hình trên là các vùng hỗ trợ/kháng cự được xác định trên cặp EUR/USD ở khung D1. Các bước xác định như sau:

  • Thu nhỏ biểu đồ để thấy được dữ liệu giá của cả một năm
  • Vẽ vùng hỗ trợ tại mức giá thấp nhất của năm đó và vùng kháng cự tại mức giá cao nhất của năm.
  • Sau đó, tại các khu vực mà giá có ít nhất 2 lần đảo chiều, các bạn tiếp tục vẽ các vùng hỗ trợ, kháng cự tại những khu vực này.

Đây là các vùng giá quan trọng trong quá khứ mà các bạn có thể đối chiếu để giao dịch trong năm tài chính ở hiện tại và tương lai.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về hỗ trợ, kháng cự, các bạn có thể tham khảo bài viết: Hỗ trợ và kháng cự là gì? Cách xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự hiệu quả nhất.

♣ Các mẫu hình nến quan trọng của phương pháp Price action

Mẫu hình nến hay mẫu hình nến Nhật là công cụ phân tích quan trọng của phương pháp Price action. Mỗi mẫu hình nến có thể được hình thành từ một, hai, ba hoặc nhiều cây nến tín hiệu, xuất hiện độc lập hoặc sau một xu hướng đã hình thành rõ ràng trước đó. Đặc điểm của các cây nến tín hiệu sẽ cung cấp cho Trader các thông tin quan trọng về hành vi của giá, về tâm lý thị trường, từ đó xác định chiều hướng biến động của giá trong tương lai.

Không có bất kỳ một chỉ báo hay công cụ nào để phát hiện sự có mặt của các mẫu hình nến mà Trader phải dựa vào sự quan sát của mình để xác định mô hình từ những đặc điểm nhận dạng cụ thể.

Có rất nhiều mẫu hình nến được sử dụng trong phương pháp Price action, cung cấp tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng nhưng có 3 mẫu hình nến được cho là rất quan trọng, bao gồm Inside bar, Pin bar và Fakey. Đây là 3 mẫu hình cơ bản nhưng lại rất hiệu quả mà một Trader mới khi bắt đầu giao dịch với Price action cần phải nghiên cứu và nắm chắc.

Inside bar

Mẫu hình inside bar bao gồm ít nhất 2 cây nến tín hiệu. Nến đầu tiên dài (nến mẹ), bao bọc hoàn toàn những cây nến phía sau (các nến con). Trong Price action, màu sắc của các cây nến trong mô hình Inside bar không quá quan trọng, chủ yếu đảm bảo về độ dài các cây nến.

Nến mẹ tăng hoặc giảm mạnh chứng tỏ phe mua/bán đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Khi đã đẩy giá lên cao hoặc xuống rất thấp, các nhà giao dịch bắt đầu có sự lưỡng lự, không biết có nên đẩy giá lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn nữa hay nên chốt lời. Sự lưỡng lự cộng thêm khối lượng giao dịch thấp khiến cho giá dao động chậm lại, không thể vượt ra khỏi phạm vi của nến mẹ, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy.

Một khi mô hình bị phá vỡ, nghĩa là giá vượt ra ngoài phạm vi của nến mẹ, lúc này, các Trader đã biết mình nên làm gì và sẽ đẩy giá đi xa theo hướng kỳ vọng. Với Inside bar, Trader có thể giao dịch đảo chiều hoặc tiếp diễn, phụ thuộc vào xu hướng phía trước và chiều hướng phá vỡ của mô hình.

Để tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa và cách giao dịch với Inside bar, các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Inside bar là gì? Hướng dẫn cách giao dịch với inside bar hiệu quả nhất.

Pin bar

Pin bar được xem là mẫu hình nến cung cấp tín hiệu đảo chiều cực mạnh trong phương pháp giao dịch Price action. Nến pin bar thể hiện thị trường đang từ chối giá lên hoặc xuống, nếu sử dụng hiệu quả, mẫu hình này sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể.

Pin bar là mẫu hình nến chỉ bao gồm 1 cây nến tín hiệu, nến pin bar có thân ngắn, râu nến rất dài về một phía.

Màu sắc của Pin bar không quan trọng, thân nến càng ngắn càng tốt. Râu nến càng dài càng tốt và dài ít nhất 2 lần thân nến. Phía còn lại có râu nến rất ngắn hoặc không có râu nến.

Râu nến trên dài chứng tỏ thị trường từ chối giá lên, nếu loại Pin bar này xuất hiện trong một xu hướng tăng thì dự báo đảo chiều xu hướng. Ngược lại, râu nến dưới dài chứng tỏ thị trường từ chối giá xuống, Pin bar này xuất hiện trong một xu hướng giảm cung cấp tín hiệu xu hướng này sắp kết thúc, thị trường sẽ đảo chiều tăng.

Nến Pin bar chỉ có hiệu lực, cung cấp tín hiệu chính xác khi râu nến của nó vượt ra xa khỏi vùng giá của các nến xung quanh. Mặc dù thỏa mãn điều kiện râu nến dài gấp 2 lần thân nến, nhưng nếu râu nến vẫn nằm trong phạm vi giá của các nến xung quanh thì đó cũng chỉ là một nến Pin bar bình thường, không có ý nghĩa trong giao dịch. Đây là sai lầm rất thường gặp ở các Trader mới, học các mô hình nến một cách sơ sài, cứ thấy Pin bar xuất hiện là vào lệnh mà không quan sát hành vi của giá xung quanh.

Nến số 1 và 2 thỏa điều kiện của một Pin bar, cả 2 cây nến đều thể hiện thị trường đang từ chối giá xuống nhưng vì râu nến vẫn còn nằm trong phạm vi của các vùng giá xung quanh nên tín hiệu đảo chiều tăng đã không xuất hiện.

Nến số 3 thỏa mãn điều kiện của một Pin bar, đồng thời râu nến trên dài, vượt xa vùng giá xung quanh và kết quả là giá đã đảo chiều giảm ngay sau đó.

Có rất nhiều chiến lược giao dịch với nến pin bar, các bạn có thể tham khảo qua bài viết: Pin bar là gì? Cách giao dịch theo pin bar hiệu quả nhất.

Fakey

Fakey là một mẫu hình nến khá đặc biệt, bao gồm một mẫu Inside bar và một Failed breakout inside bar. Fakey có thể cung cấp cả tín hiệu đảo chiều và tiếp diễn xu hướng.

Sau khi Inside bar hình thành thì giá bắt đầu phá vỡ mô hình bởi cây nến thứ 3. Những tưởng thị trường sẽ đi theo hướng phá vỡ nhưng cây nến thứ 4 xuất hiện đi ngược lại, vượt ra khỏi phạm vi của nến mẹ trong mô hình Inside bar, lúc này, mô hình mới thực sự bị phá vỡ.

Hành vi của giá trong mẫu hình này có thể được hiểu như sau: Khi cây nến thứ 3 vượt ra khỏi phạm vi của nến mẹ (giả sử phá vỡ đi lên), các Trader bắt đầu mua vào vì cho rằng mô hình Inside bar đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá đi ngược xuống lại, điều này chứng tỏ đã có lượng bán ra rất lớn, đây có thể là kế hoạch của những “cá mập”, lợi dụng tín hiệu phá vỡ giả này để đẩy giá lên cao hơn một chút trước khi dồn hết lực lượng để bán ra, nhằm thu lợi về nhiều hơn. Hoặc cũng có thể do một thông tin nào đó quan trọng trên thị trường khiến hành vi của nhà đầu tư bị thay đổi đột ngột.

Mẫu hình Fakey cũng có rất nhiều biến thể và đôi lúc Trader phải linh hoạt hơn trong việc nhận diện mô hình, vì nếu quá cứng nhắc, các bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội giao dịch tiềm năng.

Mẫu hình Fakey trong hình trên là một fakey với pin bar mặc dù cây nến thứ ba không thỏa mãn điều kiện của một pin bar (râu nến dài ít nhất 2 lần thân nến) nhưng lại đáp ứng được đúng bản chất của một Fakey: sau khi Inside bar được hình thành, giá đã phá vỡ tăng, thể hiện ở phần râu nến trên của cây nến thứ 3 rất dài, vượt khỏi phạm vi của nến mẹ, nhưng đến cuối phiên, lực bán mạnh hơn kéo giá đi xuống, cây nến thứ 3 thỏa mãn mô hình Failed breakout inside bar nên mẫu hình Fakey xảy ra đúng, giá đã giảm mạnh ngay sau đó.

Nếu quá cứng nhắc hoặc nghiên cứu về Fakey một cách hời hợt hay “học vẹt”, các bạn sẽ dễ dàng bỏ qua mô hình này do cho rằng cây nến thứ ba không đáp ứng được điều kiện của một cây Pin bar. Nhưng điều quan trọng khi giao dịch với Price action là thấu hiệu các mẫu nến dựa vào tâm lý thị trường chứ không đơn giản chỉ là hình dáng bên ngoài.

Để tìm hiểu chi tiết mẫu hình Fakey, các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Fakey là gì? Kỹ thuật giao dịch hiệu quả với fakey.

♣ Các mẫu hình nến đảo chiều và tiếp diễn cực mạnh trong chứng khoán

Bên cạnh inside bar, pin bar và fakey thì phương pháp giao dịch price action có rất nhiều những mẫu hình nến nâng cao khác, cung cấp tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng. Mỗi mẫu hình nến có một số đặc điểm nhận dạng nhất định và thể hiện một hành vi giá cụ thể, trader có thể phân tích hành động giá thông qua các đặc điểm đó. Nhưng điều quan trọng vẫn là nhận diện mô hình và thấu hiểu tâm lý thị trường.

Các mẫu hình nến đảo chiều mạnh nhất trong chứng khoán

Mẫu hình nến đảo chiều tăng

  • Dragonfly Doji (Doji chuồn)
  • Bullish Engulfing (Nhấn chìm tăng)
  • Piercing Pattern (nến Đường nhọn)
  • Bullish Harami
  • Nến búa Hammer
  • Inverted Hammer (Nến búa ngược)
  • Morning Star (Sao Mai)
  • Bullish Abandoned Baby (Em bé bị bỏ rơi)
  • Tweezer Bottom (Đáy nhíp)

Mẫu hình nến đảo chiều giảm

  • Gravestone Doji (Doji bia mộ)
  • Bearish Engulfing (Nhấn chìm giảm)
  • Shooting Star (Nến bắn sao)
  • Evening Star (Nến Sao Hôm)
  • Tweezer Top (Đỉnh nhíp)

Ví dụ: Mẫu hình nến đảo chiều Bullish Engulfing và Bearish Engulfing

Các mẫu hình nến tiếp diễn cực mạnh trong chứng khoán

  • Mô hình Rising/Falling Three methods (Tăng giá/giảm giá 3 bước)
  • Mô hình Upside Gap Tasuki ( Gap tăng Tasuki)

Các mô hình giá phổ biến trong phương pháp giao dịch Price action

Thay vì sự kết hợp của một vài cây nến tín hiệu như các mẫu hình nến Nhật thì các mô hình giá được hình thành từ rất nhiều cây nến, dao động trong một giai đoạn nhất định và tạo thành các hình dáng đặc biệt, mang một ý nghĩa giao dịch cụ thể.

Các mô hình nến với những tên gọi rất tượng hình như lá cờ, hình chữ nhật, vai đầu vai… ẩn sau mỗi hình dáng đặc biệt đó là diễn biến của 2 phe mua, bán trong suốt giai đoạn hình thành nên mô hình mà Trader dựa vào đó để phân tích và dự đoán hướng đi sắp tới của thị trường.

Với các mẫu hình nến, Trader chỉ cần quan sát một vài cây nến để nhận diện nhưng đối với các mô hình giá thì đòi hỏi Trader phải có một kỹ năng quan sát cao hơn, tổng quát hơn và khả năng tư duy hình ảnh tốt hơn vì họ phải nhìn đồ thị trong một giai đoạn dài, từ quá khứ đến hiện tại, có những mô hình giá hình thành với thời gian rất ngắn, một vài ngày nhưng cũng có những mô hình lên đến vài tuần, vài tháng, nếu giao dịch trên khung thời gian H4 hay D1, thì việc quan sát sẽ trở nên khó hơn vì giai đoạn hình thành mô hình bị trải dài hơn.

Lưu ý: Khi giao dịch với mẫu hình nến hay mô hình giá trong phương pháp Price action, Prader cần quan sát đồ thị giá trên nhiều khung thời gian khác nhau. Thường khi các bạn quan sát đồ thị trên những Timeframe lớn sẽ không nhìn thấy các mô hình này nhưng nếu chuyển sang một Timeframe nhỏ hơn thì mô hình đó sẽ được hiển thị rất rõ, tất nhiên còn phụ thuộc vào khả năng quan sát và nhận diện của mỗi trader.

Một số mô hình giá phổ biến trong Price action

  • Mô hình giá tam giác (Triangle patterns)
  • Mô hình giá chữ nhật (Rectangle patterns)
  • Mô hình giá cái nêm (Wedges patterns)
  • Mô hình giá Vai đầu vai (Head and Shoulders patterns)
  • Mô hình giá Vai đầu vai ngược (Inverse Head and Shoulders patterns)
  • Mô hình giá Hai đỉnh/Hai đáy (Double Top/Double Bottom patterns)
  • Mô hình giá Cốc và tay cầm (Cup and Handle patterns)
  • Mô hình giá Lá cờ (Flag patterns)
  • Mô hình giá Ba đỉnh/Ba đáy (Triple Top/Triple Bottom patterns)

Ví dụ: Mô hình giá cốc và tay cầm

 

Phần III. Chiến lược giao dịch hiệu quả với phương pháp Price action

Mỗi công cụ phân tích trong phương pháp Price action được trình bày ở phần II đều có những cách giao dịch riêng của nó nhưng chiến lược hiệu quả nhất vẫn là sử dụng kết hợp các công cụ với nhau để tín hiệu giao dịch được xác nhận một cách chính xác nhất, tăng độ thành công của phương pháp này.

Trong chứng khoán có rất nhiều chiến lược giao dịch: Giao dịch tiếp diễn xu hướng, giao dịch đảo chiều xu hướng hay giao dịch phá vỡ (Breakout)… đối với phương pháp Price action, chiến lược giao dịch có thể nói là hiệu quả nhất và mang về lợi nhuận tiềm năng nhất chính là chiến lược giao dịch đảo chiều. Và 2 công cụ được kết hợp trong chiến lược này chính là hỗ trợ/kháng cự và các mẫu hình nến đảo chiều.

Các mẫu nến đảo chiều cung cấp tín hiệu đảo chiều xu hướng, nhưng nếu tín hiệu này xuất hiện tại các khu vực mua, bán thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Cách giao dịch cụ thể như sau: Tại vùng kháng cự, nếu xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều giảm thì tín hiệu bán được củng cố mạnh hơn, Trader vào lệnh Sell. Tại vùng hỗ trợ, nếu xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều tăng, tín hiệu mua trở nên chắc chắn hơn, Trader vào lệnh Buy.

Một cây nến Bullish Reversal Pin bar xuất hiện tại vùng giá hỗ trợ (giá đã 2 lần đảo chiều tăng khi đi vào khu vực này).

Trước khi mẫu hình nến Pin bar này xuất hiện, giá đang trong xu hướng giảm, phe bán đang kiểm soát thị trường, bằng chứng là các phiên giảm giá liên tục hình thành với thân nến đỏ dài. Khi cây nến Pin bar xuất hiện, chứng tỏ phe bán đang thiếu sự quyết đoán, một mặt muốn đẩy giá xuống thấp hơn, mặt khác lại muốn chốt lời, sự thiếu quyết đoán này sẽ giúp phe mua giành quyền kiểm soát thị trường. Đặc biệt hơn, sự thiếu quyết đoán lại xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh, tăng lòng tin về một sự đảo chiều xu hướng sẽ xảy ra.

Sau khi tín hiệu đảo chiều được củng cố mạnh hơn, các bạn có thể tiến hành vào lệnh. Một trong những cách vào lệnh thường gặp nhất chính là chờ đợi sự xuất hiện của cây nến xác nhận, nghĩa là nếu cây nến theo sau Pin bar là một cây nến tăng thì Trader sẽ vào lệnh khi cây nến tăng này đóng cửa.

Chuyện gì xảy ra nếu cây nến theo sau Pin bar là một cây nến tăng mạnh hoặc một cây nến giảm?

  • Nếu nến xác nhận là một nến tăng mạnh: Sẽ mất đi một phần lợi nhuận do điểm vào lệnh cách quá xa điểm bắt đầu của xu hướng mới. Cách giải quyết chính là có thể vào lệnh sớm hơn, không nhất thiết phải chờ đợi sự xác nhận vì một khi mô hình nến Pin bar này xuất hiện tại vùng hỗ trợ mạnh, hoặc là giá sẽ đảo chiều mạnh mẽ, thu về lợi nhuận cao, hoặc là thị trường tiếp tục xu hướng cũ, bạn thua lỗ. Nếu đã quyết định giao dịch thì nên tìm kiếm điểm vào lệnh đẹp nhất. Với chiến lược này, có thể sử dụng một lệnh chờ để mua vào tại mức giá cao nhất của Pin bar hoặc mức giá thấp nhất đối với mô hình Pin bar đảo chiều giảm xuất hiện tại vùng kháng cự.
  • Nếu nến xác nhận là một nến giảm và thị trường vẫn tiếp tục xu hướng cũ: Phân tích của bạn đã không chính xác, đây là chuyện hết sức bình thường vì không có một phương pháp nào chính xác 100%. Tuy nhiên, để hạn chế sự thua lỗ khi thị trường đi ngược hướng dự đoán, các bạn phải đặt Stoploss. Điểm Stoploss được áp dụng trong chiến lược này chính là cách mức giá thấp nhất của Pin bar (hay nằm dưới vùng hỗ trợ) một vài Pip hoặc cách mức giá cao nhất của pin bar (nằm trên vùng kháng cự) một vài Pip đối với mô hình Pin bar đảo chiều giảm xuất hiện tại vùng kháng cự.

Với chiến lược này, các bạn có thể đặt Take profit tại các ngưỡng kháng cự mạnh gần đó.

Lưu ý: Nếu điểm chốt lời có tỷ lệ Risk:Reward thấp hơn 1:2 thì Trader không nên vào lệnh.

Đối với các mẫu hình nến khác, nếu xuất hiện tại vùng hỗ trợ/kháng cự, các bạn có thể giao dịch theo chiến lược tương tự.

 

Phần IV: Các bước giao dịch hiệu quả với phương pháp price action

Các bước giao dịch hiệu quả với phương pháp Price action

Với một chiến lược giao dịch cụ thể được trình bày ở phần III, chúng ta có thể dễ dàng tổng kết thành một quy trình giao dịch với phương pháp Price action cơ bản nhất.

♣ Bước 1: Định hình phong cách giao dịch

Đây là bước đầu tiên và cũng khá quan trọng khi giao dịch trên thị trường ngoại hối, bước này là rất cần thiết vì nó quyết định đến chiến lược và phương pháp mà trader sử dụng.

Price action thường phù hợp hơn với những nhà giao dịch trung và dài hạn hoặc ít nhất là day Trader (giao dịch trong ngày) và không phù hợp với Scalping Trader (Trader giao dịch lướt sóng) vì thông thường, các tín hiệu giao dịch từ Price action xuất hiện với tần suất ít hơn nhiều so với Indicators nên Trader sẽ không thể vào nhiều lệnh trong một ngày, bù lại một Scalper sẽ ưa chuộng giao dịch với Indicators hơn.

♣ Bước 2: Xây dựng hệ thống giao dịch

Bước này đòi hỏi Trader phải lên kế hoạch cho các giao dịch của mình, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau:

Lựa chọn tài sản giao dịch: Khác với indicators, phương pháp giao dịch price action có thể được áp dụng cho bất kỳ loại tài sản nào, miễn là chịu tác động của mối quan hệ cung-cầu, nghĩa là giữa người mua và người bán.

Lựa chọn khung thời gian giao dịch: phương pháp Price action thường cho tín hiệu tốt trên những khung thời gian lớn như H1, H4, D1 hoặc W1. Tuy nhiên, đối với phương pháp Price action, các bạn có thể chọn một Timeframe để đặt lệnh nhưng việc quan sát đồ thị giá trên nhiều Timeframe khác nhau là vô cùng cần thiết.

Xây dựng chiến lược giao dịch: Đối với phương pháp Price action, bất kỳ một chiến lược nào cũng sẽ bao gồm các công đoạn sau:

  • Xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự quan trọng trên đồ thị giá, nhớ thu nhỏ biểu đồ để xác định thêm các mức giá cao nhất/thấp nhất năm, đây là các vùng hỗ trợ/kháng cự cực kỳ quan trọng.
  • Xác định xu hướng hiện tại
  • Nhận diện các mẫu hình nến, các mô hình giá kết hợp với hỗ trợ/kháng cự để ra quyết định giao dịch
  • Vào lệnh, chốt lời, cắt lỗ

♣ Bước 3: Quản lý vốn, quản trị rủi ro

Lựa chọn phương pháp quản lý vốn, quản trị rủi ro phù hợp với chiến lược, nguồn vốn và mức độ chịu đựng rủi ro của Trader. Thật ra, bước 3 này được thực hiện trong suốt quá trình xây dựng hệ thống giao dịch, vì chiến lược quản lý vốn, quản trị rủi ro sẽ quyết định đến tài sản giao dịch, khối lượng giao dịch, mức cắt lỗ và cả chốt lời

Tham khảo:

  • Quản lý vốn hiệu quả trong giao dịch forex
  • Các sai lầm trong quản lý vốn giao dịch
  • Công thức Kelly và cách sử dụng trong quản lý vốn
  • Quy tắc quản lý vốn 2% của các trader chuyên nghiệp
  • Risk:Reward Ratio là gì? Tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý trong giao dịch chứng khoán?

Làm sao để trở thành một Price action trader thực thụ?

Trước khi trở thành một Price action Trader thực thụ, bạn phải là một Trader yêu thích phương pháp Price action, có yêu thích thì mới có sự nghiêm túc tìm hiểu, ngược lại nếu bạn đến với Price action chỉ vì nghe nhiều người nói rằng Price action rất mạnh, Price action là chén thánh… thì việc nghiên cứu về nó sẽ trở nên hời hợt và nóng vội. Đặc biệt, nếu bạn thích sự đơn giản thì phương pháp Price action rất phù hợp với bạn.

Ngoài ra, một khi đã lựa chọn theo đuổi phương pháp này, các bạn cần làm quen dần với việc không sử dụng Indicators như thói quen trước đó (nếu có). Nếu được, hãy chỉ giữ lại một hoặc hai Indicators mà bạn đã sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để kết hợp với Price action, đừng giữ lại quá nhiều, sẽ không từ bỏ được thói quen bám víu vào Indicators.

Để trở thành một price action Trader thực thụ và chuyên nghiệp, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

◊ Bắt đầu từ những kiến thức cơ bản

Đừng quá nóng vội mà bắt tay ngay vào việc tìm hiểu các mô hình giá hay các mẫu hình nến nâng cao, hãy bắt đầu với một cây nến, với các vùng hỗ trợ, kháng cự.

Phải chắc chắn rằng có thể hiểu được một cây nến đang thể hiện hành vi, tâm lý thị trường như thế nào, hãy luyện tập bằng cách đọc hiểu tất cả các dạng nến có trong thị trường, dần dần sẽ đọc vị nến rất nhanh. Điều này giúp tiết kiệm thời gian khi bắt đầu nghiên cứu về các mẫu nến nâng cao hơn.

Hỗ trợ, kháng cự là 2 nội dung rất quan trọng của phương pháp Price action. Hãy quan sát đồ thị nến trên nhiều Timeframe khác nhau và luyện tập xác định các vùng giá hỗ trợ, kháng cự quan trọng. Đây là tiền đề để các bạn có thể tiến bộ nhanh hơn khi tiếp cận với phương pháp này.

◊ Thay thế indicators bằng Price action nếu có thể

Với một trader đã quá nghiện Indicators thì nguyên tắc này có vẻ rất khó khăn, tuy nhiên, khó nhưng không phải không làm được và tất cả đều có bí quyết riêng.

Với mỗi Indicators mà các bạn đang sử dụng, hãy cho biết bạn dùng nó với mục đích gì, nó có chức năng gì trong quá trình phân tích của bạn, sau đó xem xét rằng, liệu có một công cụ hay phương pháp nào của Price action có thể thực hiện được chức năng tương tự hay không? Nếu có, hãy sử dụng Price action thay vì Indicators, nếu không, có thể giữ lại để kết hợp với Price action.

Ví dụ: các Trader thường sử dụng đường trung bình động MA để xác định xu hướng thị trường. Nếu giá nằm trên MA, thị trường có xu hướng tăng và ngược lại. Với Price action, có thể xác định xu hướng hiện tại bằng việc quan sát các mức giá cao, thấp trên thị trường. Nếu giá hình thành đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ, đáy mới cao hơn đáy cũ thì thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại. Chỉ với đồ thị giá và khả năng quan sát nến đã làm việc thay cho Indicators, thậm chí còn làm rất tốt.

◊ Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Đối với Price action, luyện tập càng nhiều sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc quan sát và nhận dạng các mô hình. Đồng thời, trong quá trình luyện tập sẽ biết được công cụ nào, mô hình nào là phù hợp và có nhiều giao dịch thành công nhất, từ đó hình thành một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh và biến kinh nghiệm thành bí quyết riêng của mình.

Qua những nội dung trên, hy vọng các bạn đã có được những thông tin cần thiết nhất về Price action. Phương pháp này trên thực tế đang được rất nhiều Trader theo đuổi và có những thành công nhất định. Nếu đã lựa chọn Price action làm phương pháp giao dịch trên thị trường chứng khoán, hãy nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản nhất, Price action sẽ khiến bạn theo đuổi nó trong suốt quãng đường làm Trader của mình.

Tài liệu đươc Sư tầm – Tổng hợp và biên tập: Thúy Hiền ( Team Công Tuyền Darvas)