Bán khống (short sales) là gì? Cách thực hiện bán khống ra sao?

Bán khống (short sales) là gì? Cách thực hiện bán khống ra sao?

Nếu quan tâm đến tài chính thì có thể bạn đã ít nhất một lần nghe đến cụm từ Short selling hay bán khống. Đây là khái niệm khá quen thuộc trên thị trường chứng khoán.

Trong bài viết này, sẽ chia sẻ những vấn đề liên quan đến khái niệm Short selling, ưu – nhược điểm và cách thức thực hiện Short selling trong chứng khoán

 

Short selling là gì?

Short selling hay Short sale hay Short đều có nghĩa là bán khống. Là một chiến lược kinh doanh dựa trên kỳ vọng về sự giảm giá của các loại tài sản tài chính. Trái ngược hoàn toàn với động cơ đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường, là kỳ vọng công ty tăng trưởng hay sự tăng giá của cổ phiếu.

Khái niệm bán khống liên quan trực tiếp đến việc nhà đầu tư bán cổ phiếu để thu về lợi nhuận nhưng không thực sự sở hữu nó. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng về bản chất thì cũng khá dễ hiểu.

  • Cách thức Short selling trên thị trường chứng khoán

Trong đầu tư chứng khoán, có một nguyên tắc mà hầu như ai cũng biết, đó là mua ở đáy – bán ở đỉnh hay mua ở đầu gối – bán ra ở vai, nghĩa là các bạn phải mua cổ phiếu với giá thấp trước, khi đã có một lượng cổ phiếu trong tài khoản thì đợi giá tăng cao rồi bán ra chốt lời. Nhưng với Short selling thì ngược lại, bạn bán cổ phiếu ở mức giá cao trước, rồi sau đó chờ giá giảm, mua lại và thu lợi nhuận từ sự chênh lệch giá. Việc bán trước, mua sau này liên quan đến cơ chế MƯỢN – TRẢ trong bán khống.

Chính vì không thực sự sở hữu cổ phiếu nên các bạn buộc phải MƯỢN từ người khác, cụ thể ở đây là sàn giao dịch hay nhà môi giới chứng khoán. Sau khi mượn xong, bạn bán chúng ra ngoài với giá thị trường hiện tại, thu về một lượng tiền mặt. Sau một thời gian, giá cổ phiếu giảm xuống như kỳ vọng, bạn mua lại cũng số cổ phiếu đó và TRẢ lại cho môi giới. Chênh lệch từ số tiền bán được cổ phiếu do VAY MƯỢN và số tiền bỏ ra để mua cổ phiếu TRẢ LẠI chính là lợi nhuận cho chiến lược Short selling này.

  • Ví dụ về Short selling trên thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư A dự đoán rằng giá cổ phiếu ABC sẽ giảm sau 10 ngày nữa. Anh ta quyết định short selling với hy vọng có thể kiếm lời từ sự giảm giá của cổ phiếu này. Anh A mượn của sàn giao dịch 1,000 cổ phiếu ABC với cam kết sẽ trả lại vào 10 ngày sau và rao bán chúng trên thị trường. Mức giá hiện tại của cổ phiếu này là 50,000 VND/cổ phiếu. Với giao dịch bán này, anh ta thu về 50 triệu đồng. Đúng 10 ngày sau, giá ABC giảm xuống còn 30,000 VND/cổ phiếu, anh A mua lại đúng 1,000 cổ phiếu ABC rồi trả lại cho sàn giao dịch. Số tiền anh A bỏ ra để mua lại cổ phiếu ABC là 30 triệu, trong khi số tiền bán ra là 50 triệu. Với chiến lược short selling này, nhà đầu tư A lời 20 triệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc Short selling diễn ra không hề đơn giản như thế mà nhà đầu tư phải chịu một số ràng buộc nhất định. Thứ nhất là yêu cầu về ký quỹ, nhà đầu tư muốn short selling phải duy trì một số tiền ký quỹ nhất định trong tài khoản để làm tài sản thế chấp trong trường hợp thua lỗ, và thông thường, tỷ lệ ký quỹ cho Short selling khá cao. Thứ hai, nhà đầu tư bán khống phải trả một khoản phí (lãi suất) trên số cổ phiếu đã vay mượn từ sàn giao dịch hay nhà môi giới. Thứ ba, chênh lệch giữa giá bán và mua chưa phải lợi nhuận cuối cùng vì bán khống cũng phải chịu các loại phí như các giao dịch thông thường khác, ví dụ: phí hoa hồng.

Ưu và nhược điểm của Short selling đối với nhà đầu tư

Ưu điểm

  • Có thể tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi xuống
  • Bán khống cũng là một trong những chiến lược phòng ngừa rủi ro hiệu quả
  • Bán khống mang về tiềm năng lợi nhuận lớn trên một số vốn nhỏ
  • Bán khống được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Bán khống truyền thống trên thị trường chứng khoán, bán khống trực tuyến trên thị trường forex.

Nhược điểm

  • Nhược điểm lớn nhất của Short selling chính là rủi ro rất lớn. Nếu đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn, thua lỗ lớn nhất chính là khoản tiền đầu tư mua cổ phiếu ban đầu, nhưng với Short selling, thua lỗ là vô hạn. Quay trở lại ví dụ trên, giả sử giá cổ phiếu không giảm mà tăng lên, nhà đầu tư sẽ thua lỗ. Giá cổ phiếu hay bất kỳ một tài sản tài chính nào cũng vậy, giá của chúng đều có thể tăng lên vô hạn, chính vì vậy mà thua lỗ của nhà đầu tư khi Short selling cũng là vô hạn. Bên cạnh đó, đối với một số thị trường tài chính như forex hay tiền điện tử, chiến lược short selling còn có thể sử dụng đòn bẩy, công cụ này giúp họ mở vị thế với giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền ký quỹ, đồng nghĩa với việc lợi nhuận được tối đa hóa mà thua lỗ cũng tăng lên theo cấp độ tương ứng.
  • Đối với chiến lược Short selling trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư còn chịu một loại rủi ro nữa, đó là rủi ro thu hồi. Là trường hợp mà người cho vay chứng khoán (sàn giao dịch/nhà môi giới) muốn thanh lý sớm vị thế của họ để thu hồi lại số chứng khoán đã cho vay. Điều này buộc nhà đầu tư có thể phải thanh lý sớm vị thế vào những thời điểm bất lợi. Rủi ro này sẽ xảy ra khi các bên không có những sự ràng buộc nhất định.
  • Lãi suất phải trả cho việc vay mượn cổ phiếu có thể sẽ lớn hơn cả phần lợi nhuận mà bạn đạt được nếu thời gian bạn mua lại cổ phiếu quá lâu.

 

Mục đích và đối tượng thực hiện bán khống

  • Mục đích của bán khống

Những người tham gia vào các thị trường tài chính thực hiện bán khống với 2 mục đích nhất định, đó là đầu cơ thu lợi nhuận và đầu tư phòng ngừa rủi ro.

Đầu cơ thu lợi nhuận:  Mục đích này khá rõ ràng, họ bán khống để tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường đi xuống. Những nhà đầu cơ này có thể được ví như những nhà đầu tư đa năng, họ có thể kiếm tiền bất kể thị trường đi lên hay đi xuống. Những nhà đầu cơ bán khống thường rất nhạy bén với các biến động, đặc biệt là lúc thị trường đang rơi vào trạng thái “bong bóng”, tăng trưởng quá mức, họ thường nhận ra xu hướng giảm sẽ tiếp diễn ngay sau đó và bán khống để thu về lợi nhuận tối đa.

Đầu tư phòng ngừa rủi ro: Những nhà đầu tư này đã có sẵn một danh mục đầu tư dài hạn, họ bán khống để giảm thiểu rủi ro hoặc bảo vệ lợi nhuận cho danh mục đầu tư của mình. Sở dĩ Short selling có thể được dùng để phòng ngừa rủi ro vì vị thế của nó hoàn toàn đối lập so với các vị thế của nhà đầu tư trong dài hạn.

  • Đối tượng thực hiện Short selling

Short selling có thể mang về lợi nhuận vô cùng tiềm năng nhưng không phải ai cũng phù hợp để thực hiện chiến lược này.

  • Short selling chỉ dành cho những nhà giao dịch chuyên nghiệp: Ở đây, chúng tôi muốn nói đến những nhà đầu tư giỏi, giàu kinh nghiệm. Họ có đủ kiến thức để nhìn nhận một cách đúng đắn về thị trường, họ đủ tiềm lực để có những thông tin chính xác, hữu ích. Thông thường, những nhà đầu tư lớn, các tổ chức tài chính, quỹ phòng hộ là đối tượng thực hiện Short selling nhiều nhất trên thị trường.
  • Short selling chỉ dành cho những nhà giao dịch giàu có: Tỷ lệ ký quỹ cao đòi hỏi nhà đầu tư phải có một tài khoản tương đối lớn. Bên cạnh đó, chi phí để Short selling không hề nhỏ nên chiến lược này phù hợp hơn với những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn.
  • Short selling ĐẶC BIỆT chỉ dành cho những NHÀ ĐẦU CƠ ƯA MẠO HIỂM: Rủi ro từ bán khống là rất lớn, thua lỗ có thể là vô hạn nếu thị trường tăng lên cao bất ngờ. Chính vì thế, nhà đầu cơ phải có mức độ chấp nhận rủi ro lớn thì mới có thể thực hiện được chiến lược mạo hiểm này.

 

Tác động của short selling đối với nền kinh tế

♠ Tác động tích cực

  • Bán khống giúp gia tăng tính thanh khoản khi thị trường đi xuống nhờ sự bù đắp lại cung cầu từ hoạt động này. Từ đó gia tăng sức hút của thị trường đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  • Gia tăng chất lượng các loại chứng khoán trên thị trường: Thông thường, những nhà giao dịch thực hiện bán khống khi họ cho rằng cổ phiếu đang được định giá quá cao so với giá trị thực của nó và những loại cổ phiếu mà họ nhắm tới để Short selling chính là cổ phiếu của những công ty có tài chính thiếu minh bạch.
  • Giảm tác động của nhà đầu tư lớn đến chứng khoán, đồng thời giúp chứng khoán quay về phản ánh đúng giá trị thực của nó: Đối với các cổ phiếu có khối lượng lưu hành thấp, khi các “ông lớn” mua vào với khối lượng lớn, điều này đẩy giá cổ phiếu lên khá cao. Và khi nhà đầu tư cho rằng giá chứng khoán đã quá cao thì họ bắt đầu Short selling, làm cho cung cổ phiếu tăng lên, giá cổ phiếu giảm xuống và quay về với giá trị thực của nó.

♠ Tác động tiêu cực

Bán khống cũng đem lại những tiêu cực lớn cho thị trường khi nhà đầu tư thực hiện bán khống với mục đích đầu cơ.

  • Khi nhiều nhà đầu cơ bán khống chứng khoán cùng lúc sẽ khiến giá chứng khoán giảm xuống sâu và bất thường, không những gây tổn thương nghiêm trọng đến chứng khoán đó mà cho cả thị trường.
  • Bán khống có thể gây khủng hoảng tài chính cho quốc gia. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong những cuộc bán khống lịch sử như vụ bán khống đồng Baht Thái (1997) đã gây khủng hoảng toàn nước Thái, lan rộng ra các nước châu Á và toàn cầu.
  • Làm sai lệch các chỉ số đo lường thị trường: khi xảy ra hành vi bán khống, tài sản sẽ được sở hữu bởi cả người cho vay và người đi vay, điều này làm gia tăng giá trị giao dịch và tổng nguồn vốn trên thị trường. Chính vì thế, các chỉ số đo lường thị trường cũng sẽ không được chính xác hoàn toàn, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá hoạt động thị trường.

Như các bạn đã biết, 2 vị thế cơ bản trên thị trường forex là Mua (Buy) và Bán (Sell). Trong đó, vị thế Bán (Sell) chính là hình thức bán khống. Giả sử các bạn đặt lệnh Bán cặp EUR/JPY, nghĩa là  mượn tỷ giá này để giao dịch chứ thực tế trong tài khoản không hề có 2 loại tiền này để bán ra. Hoặc là mở vị thế bán dầu thô cũng vậy, thực chất là các bạn không hề nắm giữ dầu thô để rao bán ra thị trường. Tuy nhiên, cơ chế MƯỢN-TRẢ chỉ mang tính tương đối. Trên thị trường chứng khoán, các bạn phải mượn thật và trả thật, còn trong forex, các bạn chỉ việc đặt lệnh và kiếm lời từ sự chênh lệch giá.

Ví dụ: Nhà đầu tư A dự đoán giá vàng sẽ giảm sau 1 tuần nữa. Anh ta mở vị thế Bán 100 ounces vàng với giá 1,000$/ounce (tương đương với việc mượn vàng từ nhà môi giới và bán ra trên thị trường). Sau một tuần, giá vàng giảm còn 800$/ounce, anh ta đóng vị thế (tương đương với việc mua lại 100 ounces với giá 800$/ounce để trả lại cho sàn). Kết thúc giao dịch, nhà đầu tư A có lợi nhuận 200$/ounce, chưa tính phí giao dịch.

  • Ưu điểm của short selling trên thị trường forex
  • Nhà đầu tư có thể thực hiện bán khống trên hàng ngàn loại tài sản khác nhau, chỉ cần tin tưởng rằng giá của tài sản đó sẽ giảm trong tương gần.
  • Công cụ đòn bẩy giúp bán khống giá trị lớn với số tiền ký quỹ thấp, giúp tối đa hóa lợi nhuận trên số vốn nhỏ ban đầu.
  • Chi phí giao dịch thường thấp hơn so với bán khống trên thị trường chứng khoán.
  • Lãi suất từ việc vay mượn có thể được nhận vào tài khoản hoặc phải trả cho sàn. Không giống như bán khống trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ phải trả lãi suất vay mượn.

 

Bán khống tại Việt Nam có hợp pháp khống?

Đối với bán khống trên thị trường chứng khoán, hiện tại Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hình thức này. Tất cả chỉ mới là dự thảo và đang ở những bước đầu của việc định nghĩa về bán khống và một số hướng dẫn ban đầu. Từ đó cho thấy thị trường Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng trong việc cho phép nhà đầu tư thực hiện bán khống trên thị trường này. Trong khi Short selling lại rất phổ biến ở các nước phát triển.

Chính vì vậy, mọi hành vi bán khống trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay được cho là vi phạm pháp luật.

Đối với hình thức bán khống trên thị trường forex, hay nói tổng quát hơn thì chính là giao dịch forex trên thị trường Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định.

 

Hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn có thể hiểu rõ hơn về Short selling hay bán khống trong kinh doanh tài chính. Trên thị trường ngoại hối, giao dịch forex hay Short selling có thể đem về lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư nhưng cũng có thể khiến bạn mất đi rất nhiều nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Là một chiến lược kinh doanh rất rủi ro, Short selling đòi hỏi nhà đầu tư cần hội tụ đầy đủ mọi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và cả tính mạo hiểm. Hãy suy xét thật kỹ trước khi quyết định tham gia vào hình thức kinh doanh đầy thách thức này nhé.

Tài liệu được Sư tầm – Tổng hợp và biên tập lại: Thúy Hiền ( Team Công Tuyền Darvas)