Các mô hình giá trong PTKT (Phần 2-Tiếp theo): Mô hình tam giác – Triangle

Các mô hình giá trong PTKT (Phần 2-Tiếp theo): Mô hình tam giác – Triangle

Mô hình tam giác (Triangle) là dạng mô hình tiếp diễn đáng tin cậy, có tần suất xuất hiện lớn sau khi phá vỡ khỏi đường xu hướng thường đi theo hướng tiếp diễn ban đầu.

I. Mô hình tam giác là gì?

Chúng được đặt tên là hình tam giác vì đường xu hướng trên và dưới cuối cùng gặp nhau để tạo thành một đỉnh và kết nối các điểm bắt đầu của cả hai đường xu hướng hoàn thành một hình tam giác, và cũng vì lẽ đó mô hình này được xem là dạng mô hình tích luỹ.

1. Mô hình tam giác kể cho Trader nghe câu chuyện gì?

Thực tế, nếu nghiên cứu kỹ về từng dạng mô hình diễn biến tâm lý ở mỗi dạng cũng khá khác nhau, muôn hình muôn vẻ, chứ không phải chỉ theo 1 dạng duy nhất.

Khi mô hình tam giác mới được hình thành cho thấy cả phe mua và bán đều không quyết liệt trong cuộc chiến giành quyền áp đảo. Nhưng càng đi về cuối mô hình, một trong 2 phe quyết định dốc hết lực để đưa giá đi theo xu hướng kỳ vọng. Hoặc dưới sự tác động từ một tin tức nào đó khiến đa số Trader sẽ cùng đi chung một hướng làm cho giá bị phá vỡ. Đồng thời cũng chính tại thời điểm giá phá vỡ đã tác động mạnh đến tâm lý những trader đang  đứng thập thò ở ngoài thị trường, dẫn tới việc họ sẽ  đi theo xu hướng giá Breakout, nên đã đẩy giá đi xa hơn. 

2. Các biến thể của mô hình tam giác

Trong  những bài trước, mô hình hình chữ nhật là dạng mô hình được tạo bởi 2 đường xu hướng song song.

Trong trường hợp khi 2 đường này khi không song song mà lại gặp nhau tại một điểm, lúc đó sẽ hình thành mô hình tam giác. Và hình tam giác có thể là kết quả của một đường xu hướng dốc lên hoặc một đường dốc xuống. Đôi khi có thể là sự đơm hoa kết trái giữa 2 đường gồm: 1 đường nằm ngang cùng 1 đường dốc lên trên hoặc dốc xuống dưới, kết hợp lại tạo ra hình thái khác nhau.

  • Khi  đường nằm dưới là 1 hỗ trợ nằm ngang và phía trên là đường xu hướng nghiêng xuống, được gọi là tam giác giảm dần.
  • Khi đường xu hướng  phía dưới là 1 đường trendline tăng, đường trên là vùng kháng cự nằm ngang, sẽ được gọi là tam giác tăng dần.
  • Khi  đường trendline trên giảm và  đường dưới tăng lên,  sẽ được gọi là tam giác cân.
  • Khi cả đường trên và dưới cùng đi theo 1 hướng (hướng lên hoặc hướng xuống) được gọi là hình nêm.
  • Khi hai đường  cùng hướng ra  như 1 hình tam giác ngược, sẽ được gọi là mô hình mở rộng. 

Thực tế nhiều dạng nó chỉ là biến thể được sinh sau đẻ muộn của những dạng mô hình cơ bản nhất. Nên bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi vào phần đầu tiên, chính là mô hình tam giác cân các bạn nhé.

II. Mô hình tam giác cân (Symmetrical Triangle)

1.Mô hình Tam giác cân là gì?

Tam giác cân có thể được xem là điểm khởi đầu cho mọi biến thể của mô hình tam giác, chúng được hình thành từ đường kháng cự hướng xuống và đường hỗ trợ hướng lên, hội tụ tại một điểm phía bên phải của mô hình, tạo thành một tam giác cân.

Mô hình tam giác cân khác các mô hình tam giác còn lại ở chỗ đây là dạng mô hình trung lập, không nghiêng về bất kỳ hướng nào. Nói đơn giản đây là dạng mô hình gió chiều nào xoay theo chiều nấy.

2. Đặc điểm của mô hình tam giác cân

Như vậy để nấu được món ăn gọi tên là tam giác cân thì thị trường phải cung cấp cho các trader 2 nguyên liệu chính yếu là: 2 đường xu hướng, 1 đường dốc lên, 1 đường dốc xuống, cùng 1 phần giá được nhốt bởi 2 đường này. Nhưng vì gọi là “cân” nên hai đường xu hướng sẽ hội tụ ở 1 điểm chính giữa.

Lưu ý: Cấu tạo của Tam giác cân và Cờ đuôi nheo đều gồm 1 đường dốc lên và dốc xuống, nhưng với cờ thì phần xu hướng phải rõ ràng dứt khoát giống hệt cột cờ.

3. Điều gì khiến mô hình tam giác cân được hình thành?

  • Diễn biến tâm lý của 2 phe trong quá trình mô hình được tạo thành, đều đang ở trạng thái cân bằng, không phe nào chiếm ưu thế, điều này càng được thể hiện rõ ở kết cấu của tam giác cân với 1 đường xu hướng dốc lên trên và 1 đường xu hướng dốc xuống dưới.
  • Trong suốt quá trình tạo đỉnh và đáy ở trong mô hình tam giác, cứ có 1 phe xả lại có 1 phe hứng toàn bộ số hàng đó, khiến cho lực lượng cung cầu lúc nào cũng ở trạng thái cân bằng. Và chúng được siết chặt bởi 2 đường xu hướng, sao cho càng đi tới cuối cạnh thì càng được thu hẹp dần, cũng là để cho thấy toàn bộ quá trình tạm nghỉ và tích luỹ này sắp đi đến hồi kết, cho đến khi một trong 2 phe áp đảo quyết tâm phá vỡ 1 trong 2 đường xu hướng, cũng là lúc xác nhận phe Buy hay phe Sell sẽ thắng thế.

4. Thế nào là 1 mô hình tam giác cân đẹp?

  • Với tam giác cân thì khi giá chạy trong 2 đường này phải làm sao chúng phải đều dốc về 1 điểm chính giữa khi đi tới điểm hội tụ.

Nên trong 3 dạng tam giác, mô hình tam giác cân sẽ được xem là hoa hậu, 2 dạng còn lại sẽ là á hậu 1, á hậu 2.

  • Với mô hình tam giác cân sẽ cần có ít nhất 2 điểm chạm cạnh trên và 2 điểm chạm cạnh dưới thì mới cho thấy lực lượng cung cầu được cân bằng, đồng nghĩa sẽ cần có ít nhất 4 điểm tiếp xúc cho cả 2 cạnh.

Đó là yêu cầu tối thiểu, nếu mô hình tam giác cân này có 6 điểm tiếp xúc thì bản thân chúng sẽ chứa 5 sóng trong 1 tam giác,

  • Ngoài ra, với tam giác cân 2 đường xu hướng sẽ phải gần như giao nhau tại đỉnh, trong khi 2 dạng còn lại sẽ không cần yếu tố này. Cũng vì lẽ đó mà mô hình tam giác cân là sự kết hợp giữa giá và thời gian, bạn có thể áng khoảng được thời điểm giá phá vỡ để tiến hành vào lệnh. Mình sẽ nói kỹ phần này trong phần hướng dẫn giao dịch các bạn nhé.

Quay trở lại vì là mô hình tam giác cân nên các đỉnh đáy thiết lập khi chạm vào 2 cạnh xu hướng cũng phải cân xứng, không có quá nhiều khoảng trống.

5. Hướng dẫn giao dịch với mô hình tam giác cân

  • Lưu ý 1 điểm mô hình tam giác xuất hiện rất nhiều trong biểu đồ giá với tần suất nhiều và cũng có dạng to dạng nhỏ, dạng lớn dạng bé tóm lại cũng rất nhiều kích cỡ khác nhau, vì thế mô hình càng bự, càng được tích luỹ lâu thì khi phá vỡ sẽ giá càng được đẩy đi xa hơn, còn dạng mô hình be bé xinh xinh thì giá đẩy đi có thể sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, nhiều khi nhỏ mà giá vẫn đi 1 mạch 
  • Đây như biểu đồ này, chỉ cần quan sát 1 lúc là có 4 mô hình tam giác liên tiếp.
  • Nếu thích nhanh gọn lẹ,  không muốn nhớ quá nhiều lý thuyết, không thích nghe dài dòng chỉ cần nhớ đơn giản: Sau khi xác định được đó là mô hình tam giác, chờ giá phá vỡ cạnh nào sẽ vào lệnh theo cạnh đó.
  • Cách vào lệnh:

    + Đầu tiên là xác định được mô hình giá Tam giác. Mặc dù, mô hình tam giác cân là dạng 50-50 nhưng chúng thường hay bị ảnh hưởng bởi xu hướng trước đó.

    + 1 xu hướng tăng thì giá khi phá vỡ rất có thể sẽ là xu hướng tăng, ngược lại nếu trước đó là xu hướng giảm thì xu hướng tiếp diễn khả năng cao sẽ là xu hướng giảm.

    + Khi giá bắt đầu dao động trong một phạm vi hẹp dần, tạo các đỉnh  hoặc đáy cao dần lên hay thấp dần đi thì tiến hành vẽ 2 đường xu hướng trên và dưới. Nếu thỏa mãn các điều kiện của một mô hình Tam giác cân thì các bạn tiến hành đặt lệnh.

    + Chờ giá phá vỡ sẽ tiến hành giao dịch. 

  • Chốt lời:  2 cách chốt lời

    + Cách 1:  Đo chiều cao đáy, và tính tương ứng khi giá phá vỡ cạnh,

    + Cách 2:  Kẻ 1 đường song song với đường xu hướng phía dưới, hoặc đường phía trên tuỳ vào dạng mô hình, và chúng sẽ trở thành 1 kênh giá, đấy cũng là đích đến của phần giá sau khi phá vỡ.

  • Cắt lỗ: Sẽ tương tự như các loại mô hình khác bạn sẽ đặt dưới đáy hoặc đỉnh gần nhất cách 1 vài pip.

Như ở ví dụ bên dưới : Với đà trước đó tăng cực mạnh trước đó, bắt đầu rơi vào trạng thái nghỉ ngơi chững lại bằng việc tạo ra 1 tam giác, và sau khi tích luỹ đủ  giá đã phá vỡ cạnh trên và tiếp tục một đà tăng cực kỳ mạnh: 

Đối với tam giác cân thì đây là dạng tiếp diễn nên việc xác định xu hướng phía trước khá là quan trọng bởi vì giá thường hay đẩy theo xu hướng này. Tuy nhiên, cũng có những tường hợp giá sẽ đi ngược lại như hình bên dưới:

Xu hướng trước là 1 xu hướng giảm, tới đây vàng đã tạo ra 1 mô hình tam giác sau đó, phá vỡ cạnh trên và vàng đảo chiều chuyển từ giảm sang tăng.

Như vậy, Cần giá phá qua khỏi đường xu hướng rồi mới tiến hành vào lệnh.

 

II. Mô hình Tam giác tăng (Ascending Triangle)

1.Mô hình Tam giác tăng (Ascending Triangle) là gì?

Mô hình Tam giác tăng là dạng mô hình 3 phải được hình thành bởi đường kháng cự nằm ngang và đường hỗ trợ dốc lên, hội tụ tại một điểm ở bên phải tạo thành một hình tam giác.

2. Đặc điểm của mô hình tam giác tăng

  • Mô hình tam giác tăng  có 2 đường xu hướng:  1 đường kháng cự nằm ngang ở phía trên và 1 đường hỗ trợ có xu hướng dốc lên trên theo chiều hướng đi lên nằm ở phía dưới, nên mô hình này mới có tên gọi tam giác tăng là vì vậy.
  • Sẽ luôn có 1 vùng giá được nhốt ở trong 2 đường xu hướng này.

3. Điều gì khiến mô hình tam giác tăng hình thành?

  • Với cấu tạo là 1 đường kháng cự ở phía trên như là 1 cái rào chắn không cho giá có thể vượt qua được, trong khi đó với 1 đường xu hướng dốc lên trên cho thấy ở vùng tam giác này phe mua tích cực hơn so với phe bán khi giá liên tiếp tạo ra các đáy cao dần lên.
  • Tuy nhiên, cho dù phe mua có mạnh hơn so với phe bán nhưng cứ khi chuẩn bị đẩy giá lên cao hơn nữa lại gặp phải kỳ đà cản mũi đó chính là phe bán, nên việc đập lên đường kháng cự xong rồi rơi lại vùng hỗ trợ cũng cho thấy phe bán phần nào vẫn kìm hãm được phe mua.
  • Nhưng dù vậy thì phe mua vẫn không tạo đáy thấp hơn mà cứ tạo đáy cao dần, chính vì thế theo nghiên cứu của 1 tác giả nào đấy mà mình quên rồi, nhưng đại khái là với dạng mô hình tam giác tăng, giá phá vỡ để tiếp tục tăng chiếm 77%, trong khi đó chỉ có 23% là giá đảo chiều chuyển thành giảm. điều này cũng hoàn toàn hiểu được nhờ vào sự áp đảo của phe mua trong quá trình tích luỹ để tạo ra mô hình tam giác tăng.

4. Thế nào là 1 mô hình tam giác tăng đẹp?

  • Một mô hình tam giác tăng đẹp sẽ cần 1 đường kháng cự nằm ngang.
  • Đường kháng cự phía trên, về mặt lý thuyết, sẽ là đường năm ngang. Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng sẽ hơi dốc một chút, nhưng không quá dốc, nếu dốc quá có thể biến hình trở thành mô hình tam giác cân, mô hình nêm hoặc mô hình cờ đuôi nheo.
  • Chủ yếu đường hỗ trợ sẽ phải là 1 đường trendline tăng sao cho các đáy tạo ra sẽ theo dạng cao dần lên. Và khi giá bắt đầu tạo đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau bằng hoặc gần bằng đỉnh trước thì mô hình tam giác tăng được hình thành. 
  • Giá phải chạm cạnh trên ít nhất 2 lần và chạm cạnh dưới ít nhất cũng 2 lần. Như vậy cần có ít nhất 4 lần đụng chạm vào nhau của giá với 2 đường xu hướng. Với dạng tam giác tăng và giảm 2 đường xu hướng thường không hội tụ tại 1 điểm mà chúng có thể phá ra trước khi điều này được hình thành, nghĩa là 2 cạnh này sẽ không nhọn, có thể vẫn còn “há cái mỏ” như thế này các bạn nhé.
  • Với mô hình tam giác tăng cũng  phải được lấp đầy bởi giá chứ không phải khoảng trắng. Mô hình tam giác tăng dần sẽ mất khoảng bốn tuần hoặc lâu hơn để hình thành và không kéo dài quá 90 ngày.

5. Hướng dẫn giao dịch với mô hình tam giác tăng

Với mô hình tam giác tăng xu hướng trước đó không phải là cái cần chú ý nhất. Bởi vì thông tin chúng đưa tới cho các bạn ngay sau khi giá phá vỡ rõ ràng hơn rất nhiều, so với mô hình tam giác cân, đó là thông thường tỷ lệ giá phá vỡ cạnh trên để tăng sẽ chiếm 77%. Trong khi đó, chỉ có 23% giá phá vỡ cạnh dưới để giảm, nên các bạn có thể tham khảo các con số này để biết hướng vào lệnh.

Chính vì có tỷ lệ chênh lệch như vậy nên mô hình tam giác tăng luôn được xem là mô hình đầu cơ giá lên hay mô hình múc múc, buy buy là vì vậy.

Nên mô hình này sẽ xuất hiện ở 2 nơi:

  • Trong 1 xu hướng tăng, gia đoạn này sẽ được xem là giai đoạn nghỉ ngơi tạm dừng bằng chính việc hình thành mô hình tam giác tăng này, rồi sau đó giá tiếp tục phá vỡ cạnh trên để tăng tiếp.
  • Tuy nhiên cũng có trường hợp chúng xuất hiện ở cuối 1 xu hướng giảm, lúc này mô hình vẫn sẽ tiếp tục phá vỡ cạnh để tiếp tục tăng.

Do đó, trong 2 tình huống nào kết quả của mô hình này vẫn là giá tăng. Và muốn để được như vậy thì mô hình sẽ phải có 1 đường trendline hướng lên đóng vai trò như 1 đường hỗ trợ. Đường xu hướng phía trên sẽ đóng vai trò là 1 kháng cự. Với việc giá liên tiếp tạo ra những đáy cao hơn, đồng thời nếu các bạn để ý sẽ thấy khi nên khi chạm đường kháng cự nằm trên này đều rút chân để từ chối việc tăng giá tiếp tục diễn ra.

Nhưng nếu việc này được diễn ra liên tục cho thấy phe Buy thực sự rất lì, không những thế trong cuộc chiến giữa phe buy và phe sell, các bạn quan sát ở đáy sẽ thấy rằng việc liên tiếp tạo đáy cao hơn cũng phần nào cho thấy phe Buy càng ngày, khi đi xuống cuối tam giác càng trở nên mạnh mẽ hơn, cộng với độ lỳ lợm khi giá thử rất nhiều lần ở đường kháng cự, tuy không phá vỡ nhưng cho thấy phe buy chưa bao giờ chịu thua. Vì thế, khi giá phá vỡ đường xu hướng và giá tăng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nên cần phải để ý đường xu hướng phía trước khi giao dịch với tam giác cân, 2 dạng còn lại thì bạn không cần phải quá quan tâm vấn đề này.

Và cũng hết sức thú vị khi tên tăng ám chỉ rất nhiều thứ tại đây:

  • Vì kết quả cuối cùng là giá tăng
  • Đường trendline hình thành cũng là trendline tăng.

III. Mô hình Tam giác giảm (Descending Triangle)

1 .Thế nào là mô hình Tam giác giảm (Descending Triangle)?

Mô hình tam giác giảm là phiên bản đảo ngược của tam giác tăng, hay mặc dù vẫn là dạng mô hình bắn lung tung tứ phía nhưng chúng được tạo ra bởi 1 đường kháng cự dốc xuống và 1 đường hỗ trợ nằm ngang.

2. Đặc điểm của mô hình tam giác giảm

Tương tự như mô hình tam giá tăng về cơ bản mô hình tam giác giảm vẫn được cấu tạo bởi 2 đường xu hướng, chỉ hơi khác thay vì chúng được dốc lên thì sẽ dốc xuống, trong đó đường dốc xuống hay đường xu hướng giảm sẽ nằm ở phía trên, đường còn lại, đường hỗ trợ nằm ngang sẽ ở phía dưới, có xu hướng hội tụ tại một điểm nằm về phía bên phải, tạo thành hình một tam giác.

3. Điều gì khiến mô hình tam giác giảm hình thành?

Ở mô hình này, giá  thay vì tạo các đỉnh cao hơn thì bắt đầu tạo ra những đỉnh thấp hơn chứng tỏ phe bán dường như có vẻ đang chiếm ưu thế, nên càng đi xuống cuối tam giác thì mô hình càng ngày càng được thu hẹp dần, không kể do đường hỗ trợ lúc này mặc dù giống như 1 cái giá đỡ để giúp cho giá có thể trụ lại ở 1 vùng giá nhất định nhưng với việc liên tiếp tạo ra đỉnh thấp dần nên cũng 1 cao thủ nào đó nghiên cứu kết quả là xác suất để giá phá vỡ giảm ở mô hình này cao hơn so với xác suất phá vỡ tăng và tỷ lệ là 64%: 36%. Tuy nhiên, như đã nói lúc đầu, mô hình giá Tam giác không cho tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn chính vì thế nếu đường xu hướng dưới trong mô hình này thật sự là một ngưỡng hỗ trợ mạnh thì khả năng giá phá vỡ tăng sẽ cao hơn.

4. Thế nào là 1 mô hình tam giác giảm đẹp?

  • Đường hỗ trợ phía dưới sẽ nằm ngang, đối khi sẽ hơi dốc 1 chút
  • Đường kháng cự sẽ phải dốc dần để tạo ra các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước,
  • Giá tiếp xúc với 2 đường xu hướng này để tạo đỉnh và đảy càng nhiều sẽ càng làm cho mô hình đó có giá trị. 
  • Đặc biệt giá phải lấp đầy các khoảng trống và tỷ lệ đỉnh đáy phải tương ứng, không được lệch lạc quá.

 

5. Hướng dẫn giao dịch với mô hình tam giác giảm

  • Không cần hải xác định xu hướng phía trước. Nhưng xu hướng phía trước khi hình thành tam giác giảm thông thường sẽ là xu hướng giảm, và tỷ lệ của mô hình tam giác phá vỡ cạnh dưới để giảm là 64%, trong khi đó chỉ có 36% giá phá vỡ cạnh trên để tăng. Tức là vẫn thuộc dạng quá bán. Nên mới được gọi là tam giác giảm là vì vậy.
  • Về cách chốt lời vào cắt lỗ sẽ: Sau khi xác định được đấy là mô hình tam giác giảm bạn sẽ đo từ đỉnh tới phần đáy, sau đó sẽ đo từ điểm giá phá vỡ cạnh dưới với kích thước tương ứng.
  • Ví dụ: Đây là ví dụ cho thấy giá đã có 1 đà giảm khá mạnh trước đó, sau đó bắt đầu rơi vào trạng thái tích luỹ và giá cứ đập lên kháng cự thì bị phe sell phản công nên lại lao xuống hỗ trợ sau đó, tới đây lại được phe mua tiếp tục đẩy giá lên nên giá cứ liên tiếp chạm kháng cự rồi đi xuống hỗ trợ liên tục, nhưng sau đó giá đã phá cạnh dưới và giảm rất mạnh.

Ví dụ này cũng cho thấy vàng đã giảm rất mạnh mẽ khi phá vỡ mô hình tam giác giảm.

 

IV. Một số thắc mắc về mô hình tam giác 

1. Mô hình tam giác là loại mô hình gì?

Là dạng mô hình bắn lung tung nhiều phía, có thể vừa là tiếp diễn vừa là đảo chiều, tuỳ xem phá cạnh nào sẽ tính tiếp.

2. Làm sao phân biệt được các loại tam giác với nhau?

Sử dụng các đường xu hướng trên và dưới để giúp xác định mô hình tam giác nào đang được hình thành.
       Trong đó tam giác cân thì sẽ có 1 đường hướng lên, 1 đường hướng xuống.
       Tam giác giảm sẽ có 1 đường trendline giảm cùng với 1 đường hỗ trợ nằm ngang.
       Tam giác tăng sẽ là 1 đường trendline tăng cùng với 1 đường kháng cự nằm ngang.

3. Mô hình tam giác có hình dáng tương tự mô hình nào?

Có hình dáng gần như song sinh với mô hình cờ đuôi nheo, hoặc là hơi nhang nhác giống mô hình cái nêm.

4. Mô hình tam giác hay xuất hiện vào lúc nào?

Non-farm, tin lãi suất, tin chủ tịch FED chuẩn bị phát biểu sẽ là những lúc rất hay xuất hiện mô hình tam giác để gây hoang mang cho trader. Và bây giờ thị trường cũng khôn, nhưng mô hình như thế này xuất hiện giá cũng chạy theo 2 hướng luôn, vừa có thể lao vun vút 1 cây xanh lét, nhưng sau đó ngay lập tức rút chân thành nến đỏ chui tọt ngược lại và đảo chiều giảm giá, hoặc ngược lại. Nên cần hết sức lưu ý giao dịch trong quá trình tin ra các bạn nhé. 

 

Tài liệu đươc Sư tầm – Tổng hợp và biên tập: Thúy Hiền ( Team Công Tuyền Darvas)